Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/9, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Nhiều quan điểm về trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Một vấn đề được rất nhiều ý kiến đề cập tới và có những quan điểm khác nhau là trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đại diện Công an TP cho rằng, cần bổ sung quy định này vào Dự thảo Bộ luật, vì tình hình pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến môi trường sống an lành của người dân. Thực tiễn, các quyết định về hình phạt và các quyết định trong bản án hình sự của Tòa án tính pháp lý cao hơn các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đại diện Tòa án Nhân dân huyện Chương Mỹ cũng cho rằng, việc đưa quy định này vào Bộ Luật là cần thiết. Vì khi một người dân khởi kiện một DN lên Tòa án, như việc DN gây ô nhiễm môi trường, Luật hiện hành quy định người đi kiện phải tự chứng minh thiệt hại, đây là việc rất khó với người dân cả về phương tiện và kinh phí. Nhưng nếu đưa vào Luật, tất cả những vấn đề trên Nhà nước phải làm và sẽ có cơ sở hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.  	Ảnh: Minh Hiền
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Hiền
Nhiều ý kiến lại cho rằng, chỉ giới hạn trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số loại tội nhất định. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến không đồng tình với quy định này. Luật sư Phạm Thanh Bình (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, không nên đưa vào Bộ Luật vì pháp nhân là do nhiều “con người” hợp lại nên nó trở thành một “người vô hình” đại diện cho tất cả các thành viên. Thực tế là, pháp nhân không thể tự mình trực tiếp thực hiện các hành vi phạm tội mà các hành vi này phải do những cá nhân, đó là các thành viên hoặc người được ủy quyền của pháp nhân thực hiện. Vì vậy, không thể quy kết hành vi do các cá nhân cụ thể thực hiện là hành vi phạm tội của pháp nhân; việc thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ không bảo đảm được nguyên tắc “cá thể hóa” trong pháp luật hình sự. Nên để cho các chế tài phi hình sự xử lý, nếu cần sẽ sửa đổi các chế tài này cho phù hợp.

Không đồng tình bỏ án tử hình với người từ 75 tuổi trở lên

Vấn đề bỏ khung hình phạt tử hình đối với 7 tội danh như Dự thảo Bộ Luật sửa đổi đưa ra cũng tồn tại những quan điểm khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, không bỏ hình phạt tử hình với các tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; cướp tài sản; vận chuyển trái phép chất ma túy… Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến (Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội) đề nghị: Không bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, vì qua thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy ở Việt Nam thì tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy là chủ yếu (tội sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy không nhiều). Những năm gần đây hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn,

Tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ cũng được các ý kiến nhận định là những tội mang tính chất kinh tế nhưng là những tội trong nhóm tội phạm về chức vụ và tham nhũng, cho nên cần phải thi hành án tử hình để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo tính răn đe riêng và phòng ngừa chung.

Đặc biệt, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, không nên bỏ quy định áp dụng hình phạt tử hình với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên. Lãnh đạo Công an TP lý giải: Thực tế, người 75 tuổi trở lên, kiến thức pháp luật, xã hội rất am hiểu, vì mục đích nào đó họ vẫn có thể thực hiện những tội phạm đặc biệt, nguy hiểm; vẫn có thể cầm đầu các băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Vì vậy, để phòng ngừa lợi dụng không nên bổ sung quy định này.

Trong khi có một số ý kiến không đồng tình bổ sung quy định “không thi hành án tử hình với người bị kết án tử hình nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản…”, bởi điều này sẽ dẫn đến cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Hà Nội Phạm Ngọc Thảo lại cho rằng: Quy định này thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Việc những người phạm tội này vẫn phải chịu án chung thân cũng đủ để mang tính răn đe, giáo dục. Mặt khác áp dụng sẽ khuyến khích người phạm tội thành khẩn khai báo, hợp tác giúp cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong quá trình điều tra, tố tụng.

Tại cuộc đóng góp ý kiến vào Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung vào Dự thảo Bộ luật các quy định như đối với tội giết nhiều người, không giới hạn thời hạn truy tố. Với tội tham nhũng bổ sung các tội danh như nhũng nhiễu, không thực hiện nhiệm vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ quyền hạn bao che cho người phạm tội… Đồng thời, cần đưa thêm vào Dự thảo Bộ Luật những hành vi phạm tội phải bị xử lý hình sự như vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý đất đai; tội lừa đảo trong hoạt động kinh doanh; tội kinh doanh hóa chất, mỹ phẩm gây hại sức khỏe người dân; tội chây ỳ không nộp thuế…

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của đại diện các ngành, các cấp của TP đã đóng góp cho Dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị thư ký tiếp thu toàn thể các ý kiến đóng góp cả trực tiếp và bằng văn bản, để tổng hợp, chuyển tới cơ quan soạn thảo.
Chiều 10/9, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng. Theo thống kê của Bộ TT&TT, đến tháng 6/2015, cả nước có 44 triệu người sử dụng internet và có khoảng hơn 140 triệu thuê bao điện thoại di động. Nhiều ý kiến đồng tình rằng việc đảm bảo an toàn thông tin trên mạng cho hàng triệu người sử dụng là nhu cầu tất yếu và cần được luật hóa. Tuy nhiên, Dự Luật mới tiếp cận từ góc độ của những người làm chuyên môn, chưa tính đến sự khả thi khi đưa vào thực tế.