Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần nhiều hơn sự quan tâm

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Song song với nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" là một thực tế đang diễn ra ở khắp các địa phương, với sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt tại những khu vực cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội.

Có hàng nghìn câu chuyện về tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; “Hãy giúp đỡ những người khó khăn xung quanh bạn”… Nhưng từ thực tế hiện nay cũng cho thấy, vẫn cần nhiều hơn những giải pháp, sự quan tâm sâu hơn để cùng vượt qua khó khăn hiện hữu trước mắt và cả lâu dài.
Sự đoàn kết, tương thân chính là “sức mạnh mềm” để trong lúc khó khăn nhất, mỗi người càng thêm tin tưởng vào chiến thắng dịch bệnh và chiến thắng thời kỳ “hậu” Covid-19. Trong những ngày cả nước cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, ở bất cứ nơi đâu, cũng bắt gặp những câu chuyện cảm động về sự giúp đỡ lẫn nhau của tình người. Mỗi cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể và các nhà hảo tâm đã liên tục chuyển các phần lương thực, thực phẩm đến tận từng hộ dân, đặc biệt các hộ nghèo, cận nghèo và những người neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Rồi những “Gian hàng 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, ATM gạo… đã mang đến cho mỗi người dân khó khăn sự giúp đỡ cần thiết ở thời điểm cấp thiết nhất. Không chỉ ở những món quà mà sự hỗ trợ còn bằng cả những phương thức khác, như ở các khu phong tỏa, các tổ Covid cộng đồng, đội tình nguyện đã triển khai chương trình “Đi chợ giúp dân”, tập hợp nhu cầu của các hộ dân để tìm kiếm, thu mua các mặt hàng thực phẩm theo yêu cầu. Các chương trình “chợ online”, “chợ nghĩa tình”… cũng được nhân rộng. Rất nhiều những chuyến xe đã chuyển các nguồn lực đến khu vực phong tỏa và hỗ trợ người dân vận chuyển các nhu yếu phẩm, rau củ quả đến con, em mình tại khu vực cách ly… Sự giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn đã sưởi ấm cho người nghèo, người yếu thế và bất cứ ai, để họ không đơn độc trong mùa dịch.

Trong thời gian qua, Chính phủ, các địa phương cũng đã kịp thời ban hành các gói hỗ trợ để người lao động, người dân nghèo, khó khăn sống “cầm cự qua mùa dịch”. Bên cạnh các gói hỗ trợ bằng vật chất, bằng tiền, Chính phủ, các địa phương cũng đã có nhiều chủ trương miễn giảm tiền điện, tiền nước, các gói dịch vụ viễn thông… cho người dân

Có thể nói rằng, mỗi sự giúp đỡ, chung tay trong thời điểm này đều rất cần và rất đáng quý. Nhưng cũng nhìn vào thực tế, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đời sống xã hội bị ảnh hưởng không ít, đặc biệt khi số lượng những địa bàn bị phong tỏa, cách ly xã hội ngày càng nhiều. Người lao động không đi làm được ngoài bị giảm thu nhập, các nhu cầu sinh hoạt, ăn uống hàng ngày bị hạn chế, có người gặp khó khăn, thiếu thốn, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Ngay cả chuyện làm sao vừa cách ly, vừa mua được lương thực, thực phẩm một cách thuận lợi nhất cũng là một bài toán. Đặc biệt, việc làm, thu nhập của các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp như F0, F1, F2, người trọ hoặc làm việc ở khu vực bị phong tỏa khó khăn hơn bao giờ hết.

Những chuyến xe hàng hóa nghĩa tình, suất quà… vẫn đang tiếp tục được chuyển đến mỗi người dân khó khăn, nhưng thực tế vẫn cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ. Hơn nữa, ngoài lương thực, thực phẩm để người dân bị mất việc, mất thu nhập do dịch Covid-19 phải thiếu đói trước mắt, cần phải tính đến cả những sự hỗ trợ dài hơi hơn để trụ vững sau dịch. Bởi dịch vẫn đang tác động rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân, số lượng công nhân bị tạm ngừng việc do doanh nghiệp không thể hoạt động không hề ít, người lao động tự do còn khó khăn gấp vạn lần, số lượng người nghèo, người khó khăn chắc chắn sẽ ngày càng nhiều hơn gấp bội.