>>> Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Chính sách vẫn chậm đưa vào cuộc sống
Mặc dù ghi nhận thành công của Chính phủ là đã kiềm chế được lạm phát, lãi suất đã giảm dần, song các ĐB cho rằng, nếu cứ tiếp tục "ru" nền kinh tế theo chiều hướng "êm đềm" mà không có giải pháp đột phá thì tình hình sẽ còn khó khăn thêm.
Củng cố niềm tin vào chính sách
Nhìn nhận nền kinh tế ngày càng "ảm đạm", ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét, lạm phát thấp không còn được nhìn nhận là "thành tích". ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, lãi suất huy động cho vay đã giảm nhưng DN vẫn thiếu vốn, ngân hàng thừa vốn. "DN mong chờ lãi suất hạ từ lâu, giống như người ốm, mong mãi mới có thuốc, nhưng khi thuốc về thì bệnh đã nặng. Vì vậy, cần đưa lãi suất cho vay về mức 8%/năm" - ĐB Sơn kiến nghị. Bên cạnh đó, một số vị ĐB cũng cho rằng cần nới bội chi, tăng tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến tại hội trường ngày 30/5. Ảnh: TTXVN
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Sẽ có thêm nhiều gói hỗ trợ NHNN đã phối hợp với Bộ Xây dựng đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, trong năm nay sẽ cố gắng phấn đấu để có thể giải ngân được ít nhất từ 15.000 - 20.000 tỷ đồng để góp phần giải quyết tồn kho bất động sản. Ngoài ra, NHNN cũng đưa ra nhiều gói hỗ trợ khác, như gói hỗ trợ cho trồng cây cà phê ở Tây Nguyên là 12.000 tỷ đồng. Thời gian tới, NHNN tiếp tục có những gói hỗ trợ như trên để tháo gỡ khó khăn giải quyết hàng tồn kho, góp phần xử lý nợ xấu. NHNN đang triển khai các bước tiếp theo Đề án giải quyết nợ xấu để sớm đưa Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vào hoạt động. Theo dự kiến, công ty này sẽ góp phần giải quyết nợ xấu từ 40.000 - 70.000 tỷ đồng. |
Đi kèm với những đề xuất giải cứu nền kinh tế, nhiều ĐB đã nhấn mạnh đến việc củng cố niềm tin vào chính sách. Theo ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhiều yêu cầu của Quốc hội không được thực hiện kịp thời đã dẫn đến sự suy giảm niềm tin. Tại kỳ họp trước, Quốc hội yêu cầu khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế, nhưng sau các phiên đấu thầu ồ ạt của Ngân hàng Nhà nước gần đây, thì giá trong nước và quốc tế vẫn có lúc chênh nhau đến 6 triệu đồng/lượng.
Đề xuất hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn
Theo đánh giá của nhiều ĐBQH, trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp luôn trở thành "phao cứu sinh" giúp nền kinh tế phục hồi, nhưng trong các giải pháp của Chính phủ lại không hề đề cập tới những vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đầu năm 2010 đến nay, đầu tư cho nông thôn chỉ chiếm 1% GDP, trong khi đóng góp của khu vực này ở mức trên dưới 20% GDP. ĐB Lê Công Định (Long An) bày tỏ lo ngại, mọi lĩnh vực của nông nghiệp, từ chăn nuôi, thủy sản đến trồng lúa cứ loay hoay trong khó khăn và cuối cùng dồn hết vào người nông dân, nhưng Chính phủ vẫn không đưa ra được giải pháp cụ thể nào. Các ĐB đề nghị, phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; có chính sách để bảo hộ cho sản xuất nông nghiệp trong nước, nhất là trước thực trạng nông sản giá rẻ tràn vào Việt Nam gây tác động xấu tới nền nông nghiệp.
Sớm giải quyết các vấn đề bức xúc
Bên cạnh những giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế, nhiều ĐB đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Bởi số hộ nghèo tuy đang giảm dần, nhưng rất chậm và đời sống của các hộ đã thoát nghèo vẫn ở mức rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với mức sống chung của toàn xã hội. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, năm 2013, sẽ phấn đấu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo của cả nước so với cuối năm 2012. Bộ xác định rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ, trợ giúp về phương tiện, điều kiện, tư vấn, dịch vụ cho hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo để tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
ĐBQH Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh): Đề xuất chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế trung hạn Đồng tình 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã nêu, nhưng ĐB Trần Du Lịch cho rằng chưa đủ mạnh để vực nền kinh tế dậy. ĐB đã đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm phục hồi kinh tế trong trung hạn: Thứ nhất, 2 năm rưỡi còn lại kế hoạch 5 năm chúng ta phải xây dựng một chương trình mục tiêu trung hạn, đây là chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, với chính sách chủ đạo là chính sách lạm phát mục tiêu chuyển từ chống lạm phát bị động sang lạm phát chủ động với mức tăng CPI khoảng 6,5 - 7% trong 3 năm 2013 - 2014 - 2015 và sẽ kéo giảm xuống dưới 5% cho giai đoạn tiếp theo. Với chính sách chủ động như vậy sẽ tạo dư địa để phối hợp 3 chính sách: Chính sách tiền tệ; chính sách chi tiêu công và đặc biệt là lộ trình điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước kiểm soát để vừa chống tái lạm phát, nhưng vừa có dư địa để kích thích thị trường. Thứ hai, trên tinh thần lạm phát mục tiêu như vậy, đề nghị có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để làm sao trong 3 năm (2013 - 2015) tổng đầu tư xã hội đạt mức 30 - 32% GDP. Đây là một sự đòi hỏi phối hợp chặt chẽ cả 2 chính sách tiền tệ, tài khóa để bổ sung nguồn lực, không đạt mức đầu tư như vậy thì giai đoạn sau không thể phát triển được. Thứ ba, về chính sách tài khóa, những giải pháp giảm miễn thuế Quốc hội đang bàn nhưng thực hiện trong 3 năm đến 2015 chứ không thực hiện 6 tháng hay 1 năm. Bên cạnh đó, đề xuất có thể nâng trần bội chi ngân sách vượt mức 4,8% GDP, tăng một số hình thức để có thể xử lý trả nợ các công trình đầu tư dang dở, ngân sách nợ trong điều kiện nguồn vốn hấp thụ tín dụng rất hạn chế. Thứ tư, trong năm 2013 cần có dư nợ như đã hứa là đạt 12%, và cũng đề nghị trong 3 năm, 2013 - 2014 - 2015 thì mức tăng tín dụng bằng 3 đến 3,5 lần mức tăng GDP và đồng thời nên linh hoạt chính sách tỷ giá. |