Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần phát huy vai trò của chính quyền phường, quận

Bài, ảnh: Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự kiến, lẽ ra đến năm 2015 Hà Nội đã phải hoàn thiện việc cải tạo, xây mới các nhà chung cư cũ (CCC) trên toàn địa bàn TP, thế nhưng hiện tại mới chỉ có 16/1.579 tòa được xây dựng lại.

Theo nhận định của Nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà & thị trường bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà: “Sự chậm trễ này có phần nguyên nhân không nhỏ từ việc phân nhiệm thiếu chi tiết, cụ thể dẫn đến sự vào cuộc chưa hiệu quả của bộ máy chính quyền cấp quận, phường”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, từ trước đến nay các dự án tái thiết CCC đều do TP phê duyệt rồi bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện. Do đó các khâu then chốt như định giá bồi thường, giải phóng mặt bằng… thường gặp nhiều rắc rối và kéo dài. “Nên giao cho UBND quận phê duyệt các dự án; quận và phường làm công tác thỏa thuận bồi thường, tái định cư, vận động người dân bàn giao mặt bằng vì họ mới chính là những người gần dân, hiểu dân nhất” - ông Hà nhấn mạnh.
Nhà G6A khu chung cư Thành Công (Ba Đình), một trong những tòa nhà thuộc loại nguy hiểm cấp độ D.
Nhà G6A khu chung cư Thành Công (Ba Đình), một trong những tòa nhà thuộc loại nguy hiểm cấp độ D.
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch, UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện trên địa bàn quận Thanh Xuân có tới 200 CCC; 80 - 90% người dân sống tại các CCC này đều mong muốn được cải tạo hoặc xây mới lại nơi họ đang sinh sống. Nhưng quá trình thương thảo, định giá bồi thường, tái định cư giữa nhà đầu tư và người dân thường lâm vào “ngõ cụt”. Nếu giao các dự án về cho quận thẩm định và phê duyệt, quận có thể chủ động, linh hoạt hơn trong quá trình đàm phán, trao đổi lợi ích với DN để thu hút đầu tư vào việc tái thiết CCC. Ông Nguyễn Chí Dũng còn đề xuất: “Chính phủ và TP nên tạo cơ chế đặc thù cho phép cấp quận sử dụng một phần ngân sách thu được của quận để đầu tư vào hạ tầng tại các khu vực có CCC, như vậy mới có thêm sức hút đối với nhà đầu tư”.

Trước ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, sự vào cuộc của chính quyền các cấp là chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả, Chủ tịch UBND phường Thành Công Nguyễn Huy Toản khẳng định, thực tế không phải như vậy. Lấy ví dụ chung cư cũ C1 Thành Công trên địa bàn mình, ông Toản lý giải, 80% số hộ đã đồng thuận với phương án đền bù, nhưng cứ đến lúc xây dựng, 20% số hộ không đồng thuận lại kéo đến ngăn cản, khiến dự án đắp chiếu hơn 7 năm trời mới thi công được. “Đây là hệ lụy của việc để DN tự đàm phán, thảo thuận phương án bồi thường, tái định cư với người dân” - ông Toản nói.

Trên thực tế tại nhiều CCC, một nhóm nhỏ người dân thường có những đòi hỏi thái quá về mức bồi thường, tái định cư; không thỏa mãn thì chây ì, cố tình chống đối, ảnh hưởng đến lợi ích chung của cả cộng đồng. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, chính việc thiếu quỹ nhà đất tạm cư, tái định cư khiến TP gặp rất nhiều khó khăn trong việc di dời người dân tại các CCC. Theo ông Hà, đối với mỗi dự án xây dựng khu đô thị mới, nên yêu cầu chủ đầu tư cắt ra 20% lợi nhuận để xây dựng các tòa nhà tạm cư hoặc tái định cư để chia sẻ gánh nặng với TP. Còn Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy thì lo ngại về việc đập bỏ các CCC thấp tầng để xây lên thành chung cư cao từ 21 - 24 sẽ gia tăng áp lực dân số lên khu vực trung tâm TP. Ông Huy nói: “Để có thể phân bố lại mật độ dân cư, giãn bớt người dân ra ngoại thành cần nhiều biện pháp khuyến khích. Đặc biệt là nơi di dời đến phải có đầy đủ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt thì người dân mới đồng tình”. Điều đó cho thấy, vai trò của chính quyền phường, quận là vô cùng quan trọng trong công cuộc tái thiết CCC. Nếu có được cơ chế phù hợp, vận dụng hết năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt phức tạp trong bồi thường, tái định cư, đảm bảo quyền lợi của cả người dân lẫn DN. Bên cạnh đó, việc phân nhiệm chi tiết xuống đến từng quận, phường cũng rất phù hợp với định hướng linh hoạt cơ chế tái thiết đối với từng khu vực CCC cụ thể.
Cần xem xét bổ sung hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án cải tạo, xây dựng CCC. Đối với hình thức thỏa thuận lựa chọn nhà đầu tư, Nhà nước cần bổ sung các quy định mang tính chế tài để đảm bảo thực thi quy định. Xem xét, điều chỉnh giảm hệ số quy đổi phần diện tích không phải trả tiền theo hướng các hộ dân chỉ được đền bù theo đúng diện tích đang sử dụng hợp pháp. Phần diện tích dôi dư tính theo suất đầu tư xây dựng cơ bản tại thời điểm thi công xây dựng. Quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng, xóa bỏ sự bao cấp về nhà ở và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Bỏ quy định về cơ chế tự thỏa thuận với các hộ dân về hỗ trợ thêm diện tích hoặc đền bù thêm bằng tiền ngoài quyền lợi theo quy định chung.
            Đại diện Công ty CP Xây dựng Sông Hồng