Còn hàng nghìn phòng học tạm Đến tháng 5/2016, toàn TP có 1.003 trường MN (733 trường công lập và công lập tự chủ; 270 trường dân lập, tư thục). Về cơ bản, mỗi xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một trường MN công lập, đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi theo tiêu chuẩn phổ cập. Số trẻ học tại trường MN công lập chiếm tỷ lệ 78%.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cũng cho thấy không ít hạn chế vẫn còn đặt ra với bậc học này. Hiện, tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến trường toàn TP là 35,3%, đạt kế hoạch nhưng quá thấp so với nhu cầu thực tế. Một số địa phương có tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến trường rất thấp như Mê Linh (21,4%), Sóc Sơn (15,4%), Chương Mỹ (18,1%), Ba Vì (20,8%), Ứng Hòa (22,3%)... Một số quận, huyện có trẻ bình quân/lớp vượt quá quy định, như: Quận Cầu Giấy có 58,1 trẻ/nhóm lớp; quận Ba Đình có 52,5 trẻ/nhóm lớp; quận Hoàng Mai có 50,9 trẻ/nhóm lớp; quận Đống Đa có 49,8 trẻ/nhóm lớp... Đặc biệt, nhiều trường thuộc quận Đống Đa có trên 60 trẻ/nhóm lớp như MN Tuổi Hoa (73,7 trẻ/nhóm lớp), MN Cát Linh (71,7 trẻ/nhóm lớp)... Cơ sở vật chất cũng là một vấn đề đáng lưu ý khi vẫn còn khoảng hơn 1.000 phòng học tạm, học nhờ, phòng học cấp 4 (đến năm 2020 cần xây mới 166 trường MN). Không ít trường MN có nhiều điểm lẻ nằm xen kẽ trong các khu nhà ở, thiếu sân chơi… Theo Trưởng ban VH - XH HĐND TP Nguyễn Thị Thùy, tiến độ xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao trên địa bàn TP còn chậm. Tính đến tháng 5/2016, toàn TP mới có 301/1.003 trường MN đạt chuẩn quốc gia (chiếm 30%). Nhiều quận, huyện có tỷ lệ thấp như Ba Đình (23,8%), Ba Vì (7,5%), Quốc Oai (11,5%), Phú Xuyên (13,3%)... Cần cả quỹ đất và kinh phí Nguyên nhân được Ban VH - XH chỉ ra là do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, mặc dù cấp học MN được đầu tư nhiều song vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu gửi trẻ; nhiều huyện ngoại thành xuất phát điểm điều kiện khó khăn, trường lớp cơ sở vật chất manh mún, nhiều điểm lẻ; quá trình quy hoạch xây dựng mất nhiều thời gian, thiếu quỹ đất, kinh phí đầu tư. Nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng và duy trì trường chuẩn quốc gia lớn trong khi một số địa phương, nhất là các huyện ngoại thành lại có nguồn thu ngân sách hạn hẹp... Từ thực trạng này, Ban VH -XH đã kiến nghị với UBND TP sớm xây dựng đề án: "Nâng cao chất lượng GDMN TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020"; chỉ đạo triển khai thực hiện theo quy định việc bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên MN trong các cơ sở GDMN công lập để làm cơ sở thi thăng hạng. Để giải quyết những phòng học tạm, học nhờ, UBND TP tiếp tục ưu tiên các khu đất thu hồi được do di dời các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp không có nhu cầu sử dụng để xây dựng trường MN. Đặc biệt, UBND TP cần giao cho UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư các quỹ đất xây dựng trường học trong các khu đô thị mới. Bà Thùy cho rằng, Sở GD&ĐT cũng cần sớm tham mưu cho UBND TP Đề án Phát triển GDMN trong giai đoạn mới theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục, nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra trường. Trước mắt, Sở cùng các quận, huyện chỉ đạo các trường MN tuyển sinh năm học 2016 - 2017 theo đúng quy định, hạn chế thấp nhất tình trạng quy mô số học sinh/nhóm lớp quá lớn so với quy định, nhất là ở các trường thuộc khu vực nội thành. Các quận, huyện nên dành quỹ đất cho giáo dục; cấp đủ, kịp thời kinh phí cho các trường học để nhà trường chủ động hoạt động, xóa toàn bộ phòng học cấp 4, phòng học nhờ, học tạm gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Giờ ra chơi các cháu trường mầm non Bình Minh. Ảnh Duy Khánh |