Cần quy định để khắc phục việc mua hộ nhà ở xã hội cho người giàu

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị
Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị

Chủ trì hội nghị gồm: Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa.

Mức lương tối thiểu tăng gần 6%

Thông tin về tình hình đời sống, việc làm, quan hệ lao động; kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với công nhân, viên chức lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết: Từ ngày 1/1/2023 mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%, điều này đã hỗ trợ công nhân lao động giảm bớt những khó khăn hơn; thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí (như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... đặc biệt với công nhân lao động đang làm việc ở trong các Khu công nghiệp và chế xuất còn khó khăn hơn).

Về vấn đề nhà ở của công nhân lao động Khu công nghiệp, hiện nay, dự án nhà ở của TP chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động, còn lại trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Do vậy, công nhân lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá mua phù hợp để an cư, lập nghiệp.

Đến nay số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) của TP tăng 7,8% so với năm 2022 (trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi). Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH còn cao, nhiều doanh nghiệp nợ, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến tháng 8/2023, có trên 83 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH-BHYT-Bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 5.300 tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến chế độ chính sách của trên 1,1 triệu người lao động.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Đề xuất tính chia tuổi nghỉ hưu theo đặc thù công việc

Phát biểu tại hội nghị, liên quan đến Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ tịch công đoàn Công ty May LD Plummy Hà Thị Phương Anh đồng tình về thời gian đủ tuổi hưởng lương hưu mà dự thảo luật đưa ra và kiến nghị nên chia thành 2 nhóm lao động ở khối hành văn phòng hành chính và nhóm trực tiếp sản xuất bởi công nhân ngành dệt may tuổi ngoài 50 mắt mờ, chân tay chậm nên không thể đạt được năng suất cao.

Nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu Hoàng Mai Phạm Hùng Minh kiến nghị tuổi nghỉ hưu với công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tham gia lao động sản xuất trực tiếp tại các doanh nghiệp, cơ quan và giáo viên mầm non tham gia giảng dạy trực tiếp thì nam đủ 60 tuổi và 30 năm công tác; nữ đủ 55 tuổi và 25 năm công tác sẽ được nghỉ hưu và hưởng 75%. Với khối hành chính sự nghiệp có thể lộ trình nghỉ hưu như BHXH đang thực hiện.

Cụ thể, theo cử tri Phạm Hùng Minh, khi CNVCLĐ tham giao lao động sản xuất trực tiếp tại các doanh nghiệp đã đủ 30 năm công tác với nam và 25 năm công tác với nữ, nếu có nhu cầu nghỉ hưu thì phải được chấp thuận giải quyết mà không cần phải chờ đủ tuổi theo quy định. Còn ở khối hành chính sự nghiệp, CNVCLĐ tham gia công tác đủ 35 năm với nam và 30 năm với nữ nếu có nhu cầu nghỉ hưu phải được chấp thuận giải quyết mà không cần chờ đủ tuổi theo quy định. Thiếu tuổi nghỉ hưu thì trừ 1% cho mỗi năm thiếu thay vì trừ 2% như hiện nay.

Đồng thời, cử tri đề nghị BHXH tính lương khi nghỉ hưu của CNVCLĐ khối doanh nghiệp tư nhân như khối lao động nhà nước và hành chính sự nghiệp, tính lương bình quân 5-10 năm cuối là để đảm bảo công bằng và không có sự phân biệt.

Đại diện người lao động nêu ý kiến, kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri
Đại diện người lao động nêu ý kiến, kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri

Bám sát đối tượng được mua nhà ở xã hội

Góp ý Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cầu 14 Nguyễn Trung Kiên nhận định, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được Dự thảo luật quy định khá đầy đủ. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy việc tiếp cận với các chính sách nhà ở xã hội đối với các nhóm đối tượng trên rất khó khăn. Cử tri để nghị cần bám sát với các nhóm đối tượng, khi quy định các nhóm đối tượng và các điều kiện kèm theo thì cần đảm bảo các nhóm đối tượng này có thể tiếp cận được với chính sách, từ đó mới đảm bảo quy định pháp luật đi vào cuộc sống.

"Dự thảo Luật cần quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục và việc cấp xét duyệt đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải đảm bảo chặt chẽ, đúng, trúng đối tượng có nhu cầu thực sự; khắc phục tình trạng người có nhu cầu và đủ điều kiện mua nhà ở xã hội lại không được mua; hoặc tình trạng mua hộ nhà ở xã hội cho người giàu nhằm hưởng chính sách hỗ trợ và kinh doanh kiếm lời", cử tri Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.

Nêu ý kiến tại hội nghị, chị Phạm Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Suncall Technology Việt Nam đề nghị cần mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội, theo đó mọi công dân đến tuổi trưởng thành chưa có nhà ở hoặc không có khả năng tạo lập về nhà ở đều là đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Chị Phạm Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Suncall Technology Việt Nam nêu ý kiến tại hội nghị
Chị Phạm Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Suncall Technology Việt Nam nêu ý kiến tại hội nghị

Cho rằng mức lãi suất cho vay đầu tư xây nhà ở xã hội hiện nay cao, thêm vào đó thủ tục rườm rà sẽ kéo dài thời gian hình thành một dự án dẫn đến chi phí sẽ bị đội lên nhiều, chị Trang cho rằng nếu không có chính sách ưu đãi về vốn vay phù hợp thì chính sách nhà ở xã hội sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn giá trị tốt đẹp, mục đích của chế độ an sinh xã hội cũng không đạt được. Vì vậy, "nguồn vốn vay với chính sách nhà ở xã hội phải hình thành từ nguồn Quỹ phát triển Nhà ở xã hội hoặc từ ngân sách Nhà nước, không thể xuất phát từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại như hiện nay", cử tri nêu.

Luật Thủ đô cần quy định về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Về Dự thảo Luật Thủ đô, theo cử tri Nguyễn Trung Kiên, để đạt được mục tiêu tới năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển ngang tầm các nước phát triển trên thế giới thì vấn đề pháp lý về thu hút sử dụng nhân tài là khâu then chốt, đột phá bảo đảm cho sự thành công. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Thủ đô mới thể chế hóa các nội dung về thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong 2 Điều (Điều 17, 18). Cùng với đó trong dự thảo Luật dành hẳn Chương IV quy định về “Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ Đô”, trong khi nguồn nhân lực để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô” được đề cập trong dự thảo Luật còn khá khiêm tốn.

Nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu Hoàng Mai Phạm Hùng Minh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu Hoàng Mai Phạm Hùng Minh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

Cử tri đề nghị Nguyễn Trung Kiên đề nghị, trong dự thảo Luật Thủ đô lần này cần bổ 1 Chương về sung “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút, sử dụng nhân tài” có như vậy mới thể chế hóa được chủ trương, Nghị quyết của Đảng vào dự thảo Luật; góp phần đưa Thủ đô phát triển bền vững và toàn diện.

Các cử tri cũng đề nghị trong Dự thảo Luật Thủ đô cần có quy định về các điều kiện thể chế, cơ chế, chính sách lớn và nguồn lực cơ bản bảo đảm phát triển Thủ đô đúng tầm đã được xác định, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm bảo đảm từ Trung ương và cả nước; trách nhiệm của Hà Nội; các thể chế, cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù, đặc biệt là thể chế, cơ chế vượt trước cả nước, qua đó, tạo động lực phát triển mới mạnh mẽ thực chất...

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri và cho biết, những ý kiến của cử tri đã được thư ký đoàn tổng hợp để phân loại theo nhóm vấn đề. Trên cơ sở đó gửi tới các cơ quan hữu quan nhằm trao đổi, giải đáp thấu đáo với cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố mong muốn thời gian tới tiếp tục lắng nghe, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri gửi đến đoàn.