Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần quy định về phòng cháy, chữa cháy ở chung cư cao tầng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng qua, 28/5, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp (DN).

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.

Cần quy định về phòng cháy, chữa cháy ở chung cư cao tầng - Ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại tổ. Ảnh: TTXVN

Trước lo ngại của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật PCCC diễn ra vào sáng 28/5, ở Hà Nội, xe chữa cháy bất lực với nhà 30 tầng, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, thành phố đã đặt mua trực thăng để chữa cháy. Trong trường hợp tự chữa không được thì áp dụng phương tiện hỗ trợ. Đến ngày hôm nay chưa thấy có trực thăng đưa về, nhưng kế hoạch mua sắm đã được đặt ra…

Tuy nhiên, góp ý vào dự thảo, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đặt vấn đề: "Luật PCCC hiện hành đã ra đời 12 năm, song tình trạng cháy nổ vẫn xảy ra còn nhiều. Về trang thiết bị PCCC phải quy định rất cụ thể đến từng hộ gia đình, tối thiểu là gì, chứ không thể nói chung chung như luật về kinh tế hay hành chính". Ông Bình cũng cho rằng, cần quy định rất chặt trong PCCC về xây dựng nhà chung cư, cao tầng, hiện nay phần lớn các công trình kiểu này rất khó tiếp cận khi xảy cháy. Còn theo ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh), Dự thảo mới chỉ đề cập đến PCCC với bệnh viện, khách sạn, trường học, nhà nghỉ... nhưng có thực tế là hiện nay các ký túc xá nhiều nơi có số lượng sinh viên lên tới 1.000 - 2.000, thậm chí tới 6.000 sinh viên. Do vậy, cần bổ sung chính sách đầu tư cho việc PCCC với đối tượng này.

Cũng ở đoàn TP Hồ Chí Minh, ĐB Trần Thanh Hải cho rằng, dự luật chỉ sửa đổi vài điều, các nghị định hướng dẫn lại không đồng nhất. Do vậy, không thể giải quyết được tình trạng hiện nay và nhiều điều khoản không đi vào cuộc sống. Quan điểm chung là PCCC khu vực nào quan trọng nhất lại chưa được chú trọng.

Đề nghị chưa sửa Điều 170 của Luật Doanh nghiệp

Buổi thảo luận tại tổ về Luật Doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp là giải pháp kịp thời, cần thiết để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các ĐB Quốc hội cũng đề nghị, sửa Luật cần phải kèm theo những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, một số ý kiến lại phản đối việc sửa đổi, bổ sung điều luật này. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Thêm nữa, điều quan trọng hơn là trong báo cáo giải trình, Chính phủ không nêu được rõ những ảnh hưởng, hệ luỵ của việc không sửa đổi, bổ sung Điều 170 và lý do tại sao các doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký lại trong những năm qua? Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), chưa nên sửa Điều 170 và chờ đến năm 2014, khi Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp thì sẽ sửa luôn vì cơ sở để đưa ra sửa đổi, bổ sung Điều 170 là không rõ.