Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần quyết liệt hơn trong xử lý lò gạch thủ công tại huyện Quốc Oai

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn cùng UBND xã, thị trấn vào cuộc xử lý hàng loạt lò gạch thủ công. Nhưng để xử lý dứt điểm rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các lực lượng chức năng.

Sau khi báo Kinh tế & Đô thị phản ánh thông tin về những lò gạch tại một số xã của huyện Quốc Oai, UBND huyện Quốc Oai đã ban hành văn bản giao nhiệm vụ cho các đơn vị, như: Rà soát, xác định số lò gạch thủ công đang tồn tại trên địa bàn, thanh lý hợp đồng cho thuê thầu đất, ngăn chặn không cho xe chở vật liệu xây dựng vào khu vực lò gạch, tuyên truyền, vận động chủ lò dừng hoạt động sản xuất…

Các lò gạch thủ công tại xã Hòa Thạch 
Các lò gạch thủ công tại xã Hòa Thạch 

Tuy nhiên, do chưa quyết liệt trong xử lý nên đến nay 11 lò gạch thủ công tại xã Hòa Thạch, Phú Cát, Cấn Hữu, Cộng Hòa, thị trấn Quốc Oai… vẫn hoạt động tại các khu đất đã được thanh lý hợp đồng.

Đất được các chủ lò chở về để sản xuất gạch
Đất được các chủ lò chở về để sản xuất gạch

Ngày 18/1/2022 phóng viên trở lại xứ đồng Tháng Mười, xã Hòa Thạch, nhận thấy các lò gạch ở đây vẫn đang hoạt động. Con đường độc đạo dẫn vào xứ đồng Tháng Mười lầy lội bùn, ở hai bên đường với hàng chục núi đất vừa được chở về đang chờ nhào lộn để sản xuất gạch, cùng với đó là những hàng gạch mộc...

Con đường độc đạo trong khu lò gạch ở xứ đồng Tháng Mười, xã Hòa Thạch những ngày này lầy lội bùn đất
Con đường độc đạo trong khu lò gạch ở xứ đồng Tháng Mười, xã Hòa Thạch những ngày này lầy lội bùn đất

Theo Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Lê Hải Đăng, nếu các chủ lò không tự tháo dỡ công trình vi phạm, việc chính quyền địa phương phải tổ chức thực hiện cưỡng chế các lò gạch thủ công này là rất tốn kém thời gian và tiền ngân sách nhà nước, bởi khối lượng tài sản phải tháo dỡ, thu dọn rất nhiều và lớn. Đặc biệt trong đó có những ống khói lò gạch cao khoảng 50m nên việc tháo dỡ là rất khó khăn và nguy hiểm. Thực tế đến thời điểm hiện nay các xã, thị trấn vẫn chưa gửi phương án, kế hoạch tháo tháo dỡ các công trình vi phạm nên Phòng Quản lý đô thị huyện chưa có căn cứ để thông tin cụ thể.

Hàng loạt những dãy hàng gạch mộc đang chờ cho vào lò để đốt
Hàng loạt những dãy hàng gạch mộc đang chờ cho vào lò để đốt

Lý giải về việc thời gian trước đây các chủ lò cam kết sử dụng hết nguyên vật liệu sẽ dừng đốt gạch nhưng hết lần này đến lần khác vẫn tiếp tục vi phạm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết: Đến nay các chủ lò gạch vẫn chở nguyên vật liệu và đất về để sản xuất gạch là đúng. Việc các chủ lò cố tình tái vi phạm đang gây khó khăn cho công tác xử lý. Cũng trong thời gian qua, UBND huyện đã yêu cầu công ty điện lực huyện ngừng cấp điện cho các chủ lò gạch, tuy nhiên công ty điện lực đưa ra lý do ở tại các khu lò gạch đang có rất nhiều người lao động sinh sống, làm việc tại đây nên ngừng cấp điện vào thời điểm cuối năm là không phù hợp, nên chưa thực hiện đã gây ảnh hưởng đến việc xử lý.
Thượng tá Khuất Hồng Sơn - Phó trưởng Công an huyện Quốc Oai khẳng định, sau nhiều lần tổ công tác của huyện với đại diện các cơ quan, gồm: Phòng Kinh tế, Công an huyện, Phòng Quản lý đô thị, Phòng TN&MT cùng UBND các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá thực tế tại hiện trường lập phương án, kế hoạch tháo dỡ các công trình lò gạch, nhà xưởng, nhà ở đang tồn tại. Qua đó, làm cơ sở báo cáo, đề xuất với UBND huyện giao cho các xã, thị trấn xây dựng phương án kế hoạch tháo dỡ công trình. Tuy các địa phương đã xây dựng kế hoạch tháo dỡ nhưng không đảm bảo, nên các phòng, ban chuyên môn đang phải hướng dẫn lại các xã hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND huyện xong trong quý I/2022.