Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Phát biểu tại buổi thảo luận sáng 13/6 tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Phạm Đình Toản (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, quy mô thu ngân sách nhà nước ngày càng mở rộng, năm 2019 tăng 1,81 lần so với 2014.
Tính chung quy mô thu ngân sách nhà nước 5 năm, giai đoạn 2015 - 2019 gấp 1,82 lần giai đoạn 2010 - 2014. Tổng thu ngân sách nhà nước bình quân đạt 24,9% GDP, vượt mục tiêu giai đoạn này 23,5%.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước bình quân đạt 8,3%/năm và các năm đều vượt dự toán đã góp phần tăng thêm nguồn lực tài chính. Cơ cấu thu ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% giai đoạn 2011 - 2015 lên 82% năm 2019, giảm tỷ trọng thu cân đối từ xuất khẩu dầu thô.
Chi tiêu nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm hơn, nhiều năm thấp hơn dự toán, cơ cấu chi tích cực, giai đoạn 2016 - 2019 chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 26,8% tổng chi ngân sách nhà nước; đến năm 2019 chi đầu tư đạt khoảng 29,2%.
Đại biểu Phạm Đình Toản đánh giá "Kết quả thực hiện tiết kiệm hết sức tích cực". Năm 2019, tiết kiệm ngân sách vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt đạt 61.482 tỷ đồng, bội chi ngân sách tốt hơn, giảm cả số tuyệt đối và tương đối. Năm 2018, bội chi là 2,8% GDP, năm 2019 là 3,4%. Cuối năm 2019, dư nợ công đạt 54,7% GDP, giảm khoảng 7% so với mức 61,3% GDP năm 2015. Quy mô thị trường vốn đã phát triển tích cực, đến năm 2019 đạt 111,8% góp phần huy động nguồn lực cho phát triển, giảm áp lực về vốn lên hệ thống ngân hàng.
Cũng theo đại biểu Phạm Đình Toản, lần đầu tiên trong nỗ lực minh bạch thông tin, Chính phủ lập báo cáo tài chính năm 2018 theo Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 đã đẩy mạnh hoàn thiện thể chế cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách.
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Đình Toản “vẫn còn những hạn chế đã tồn tại nhiều năm cần tiếp tục khắc phục”.
Về thu ngân sách, tỷ lệ huy động từ phí, thuế có xu hướng giảm, năm 2018 đạt 19,1%, thấp hơn mục tiêu là 21% trong giai đoạn này. Số vượt thu từ tăng thu sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn. Kết quả thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đạt hiệu quả, thu nội địa chưa đạt mục tiêu 84 - 85% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tình trạng chuyển giá, xác định sai chi phí số thu phải nộp đã xảy ra ở nhiều nơi, nợ đọng thuế phải xử lý thu hồi vẫn còn lớn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Về chi ngân sách nhà nước, chi thường xuyên vẫn có tỷ lệ cao, năm 2018 chiếm 65% cao hơn mục tiêu dưới 64%. Tình hình chấp hành kỷ luật ngân sách chưa nghiêm. Kết quả thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra nhiều sai phạm và phải xử lý số tiền lớn; chi cho đơn vị sự nghiệp vẫn còn rất lớn, chậm giải ngân đầu tư công có xu hướng chậm dần những năm gần đây; số chuyển nguồn hàng năm lớn trong khi kinh doanh để bù đắp chi làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách. Nợ công tuy có giảm nhưng áp lực trả nợ công vẫn tăng, vẫn phải vay để trả nợ gốc.
Do đó, để đạt mục tiêu trong giai đoạn mới với nhiều khó khăn, đồng tình với nhiều giải pháp của Chính phủ, đại biểu Phạm Đình Toản đề nghị, trong điều kiện nguồn thu ngân sách sẽ bị giảm trong năm nay cần làm tốt công tác dự báo, tiếp tục đánh giá, giám sát, thanh tra kiểm tra việc sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn thu ngân sách nhà nước, chống thất thu.
Cần cụ thể hóa chủ trương giảm thu phải giảm chi tương ứng cùng các chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể và được kiểm soát tại kho bạc nhà nước, đăt mục tiêu tiết kiệm thêm tối thiểu 10% chi thường xuyên. Có giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo số liệu vốn đầu tư công năm nay chuyển nguồn từ năm trước và kế hoạch năm 2020 là rất lớn. Sử dụng hết nguồn vốn đầu tư công của năm nay, trong đó cần tháo gỡ vướng mắc gắn với trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển vốn kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương và các dự án. Thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Đình Toản cũng đề nghị, cần giảm chi từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế hoạch tự chủ của các đơn vị sự nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần, thực hiện lộ trình đánh giá đơn vị sự nghiệp.
Nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, tối thiểu phải đạt dự toán thu ngân sách Trung ương từ cổ phần hóa trong năm nay.
Đồng thời cần đánh giá lại tài sản nhà nước để có phương án sử dụng hiệu quả hơn, rà soát lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách để kiến nghị các nhiệm vụ chi từ ngân sách có thể.
Phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, lúng túng
Đề cập đến câu chuyện xuất khẩu gạo, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) nêu rõ, trong bối cảnh nhu cầu lương thực trên thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, nhiều quốc gia tăng dự trữ khiến thị trường xuất khẩu gạo sôi động. Giá gạo thế giới tăng gần đây cũng là “cơ hội vàng” cho xuất khẩu gạo của nước ta. Tuy nhiên, “việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua thiếu đồng bộ, nhất quán và lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.
Tại thời điểm 0 giờ ngày 24/4/2020, Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra việc điều hành xuất khẩu gạo để có biện pháp xử lý nghiêm nếu có vi phạm và rất mong sớm có kết luận vụ việc này.
Dẫn ra ví dụ này, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện, cần thiết thành lập Ban chỉ đạo rà soát, đánh giá, cân đối nhu cầu sử dụng gạo, tranh thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo khi nhu cầu sử dụng và giá bán tăng cao nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực và dự trữ quốc gia.