Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thay đổi phương pháp trong xúc tiến đầu tư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức "Hội nghị giao ban đầu tư nước ngoài khu vực phía Bắc."

Tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố đã có những chia sẻ về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian qua. Đặc biệt, các vướng mắc, tồn tại trong công tác theo dõi, quản lý đầu tư nước ngoài được thảo luận nhiều nhất.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục Trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết về đầu tư nước ngoài Chính phủ đã có Chỉ thị số 1617/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì vậy các địa phương cần có hành động cụ thể. Về phân cấp quản lý đầu tư, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chặt chẽ, do đó cần phải tăng cường phối hợp hơn nữa trong thời gian tới.

Theo ông Hoàng, công tác đầu tư hiện nay có ba công đoạn là xúc tiến, cấp phép và triển khai. Tuy nhiên, công đoạn xúc tiến đầu tư nhiều địa phương vẫn tổ chức theo thông lệ, phong cách cũ. Công tác xúc tiến còn làm tự phát, phía nhà đầu tư Nhật Bản phản ánh một tháng có lần tiếp xúc 3 đoàn của Việt Nam về cùng một nội dung.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011-2015, tuy nhiên, hiện nay một số bộ, ngành còn chậm. Danh mục dự án cần chi tiết, thể hiện được tính khả thi thì mới có thể kêu gọi được nhà đầu tư.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, năm 2011, FDI của Hải Phòng chủ yếu từ các nước châu Á chiếm tới 93%. Riêng Nhật Bản đã chiếm hơn 50%, tiếp theo là Hàn Quốc, Thái Lan... Tình hình tăng vốn đầu tư FDI năm 2011 có tín hiệu tốt với 27 dự án có quyết định điều chỉnh tăng vốn, tỷ lệ giải ngân đạt 49%, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Nhưng theo vị đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, việc thu hồi giấy phép đầu tư tại địa phương đang có nhiều bất cập. Trong quá trình thực hiện, Hải Phòng nhận thấy những vấn đề xung quanh quy định những dự án chậm triển khai nếu không có “lý do chính đáng” đều bị thu hồi. Vậy hiện nay khủng hoảng kinh tế dẫn đến nhiều dự án tại Hải Phòng chậm triên khai có được coi là lý do chính đáng không, đặc biệt, là các dự án về bất động sản.

Về kinh nghiệm trong xúc tiến đầu tư, Hải Phòng xác định công tác xúc tiến phải có trọng điểm, lĩnh vực nào là quan trọng phù hợp với địa phương, khuyến khích các dự án mang chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Việc tham gia xúc tiến đầu tư chung của Chính phủ, bộ, ngành là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc quan trọng không kém chính là sau khi tiến xúc chung chính quyền cần có những động thái tiếp cận ngay, lắng nghe và đưa ra những cam kết mạnh mẽ để các nhà đầu tư thực sự yên tâm hơn khi đầu tư vào địa phương mình.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho biết, với 2.212 dự án FDI, vốn đăng ký 23,3 tỷ USD và vốn giải ngân khoảng 7 tỷ USD hiện nay đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, đặc biệt, là đóng góp vào giá trị giá trị sản xuất công nghiệp tới 50%.

Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề đặt ra trong công tác theo dõi quản lý sau cấp phép đối với các dự án FDI của Hà Nội. Hà Nội xác định phương pháp theo dõi, giám sát một cách trực tiếp các dự án FDI là vô cùng quan trọng. Nhưng với tình hình nhân sự hiện nay, việc thành lập các đoàn kiểm xem ra khó khăn. Khó khăn tiếp theo là pháp luật hiện hành đang thiết kế theo tiêu chí thuận lợi hóa cho nhà đầu tư.

Do vậy, Hà Nội hiện đang có hiện tượng “ba không”- không biết mặt nhà đầu tư (vì nhà đầu tư có thể ủy quyền giao hết cho một công ty tư vấn); không biết địa điểm (pháp luật không quy định thẩm tra địa điểm); không biết họ hoạt động như thế nào (mặc dù vấn đề này thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương), trong đó "hai không" đầu là do cơ chế pháp luật hiện nay.

Vì vậy, Hà Nội đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên xem xét tính thích hợp của các quy định pháp luật hiện hành, tạo sự thống nhất cho các địa phương "soi chiếu" thực hiện. Khi sửa đổi hay xây dựng luật mới cần phải cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; tiếp tục "mạnh hóa" về cải cách hành chính, cụ thể thời hạn về thẩm tra giữa các cơ quan chức năng, tránh đùn đẩy công việc.

Chia sẻ về công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, cho biết tỉnh xác định vấn đề xúc tiến đầu tư là cơ bản nhưng công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều yếu tố tổng hòa khác, cụ thể như các yếu tố về cơ sở hạ tầng, sự ứng xử của các cơ quan chính quyền đối với nhà đầu tư.

Công tác theo dõi, giám sát các dự án FDI là rất quan trọng, đặc biệt nếu địa phương có nhiều dự án FDI thì ít nhất các dự án FDI quan trọng trên địa bàn, trong một năm, các cơ quan chức năng cũng phải cử đoàn kiểm tra trực tiếp dự án này để nắm bắt tình hình, như thế sẽ rất hiệu quả trong công tác quản lý.

Xác định tầm quan trọng của công tác lựa chọn dự án đầu tư cho việc phát triển bền vững của địa phương, Hải Dương đã từ chối nhiều dự án nhạy cảm có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao hay những dự án sử dụng nhiều lao động nhưng nhà đầu tư lại yêu cầu được xây dựng ở đô thị./.