Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Can thiệp sớm khi trẻ tăng động giảm chú ý

Mai Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội chứng tăng động giảm chú ý là một rối loạn có tính chất tâm lý dễ gặp. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ do thiếu kiến thức về hội chứng này đã khiến trẻ không được can thiệp kịp thời.

Tỷ lệ mắc khá cao
Sau một tháng đi trẻ gần nhà, bé Nguyễn Anh Minh, 4 tuổi (phố Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân) bị trả về vì quá mất trật tự trong lớp. Bé Minh không chịu ngồi yên theo hướng dẫn của cô, mà chỉ thích dùng đồ chơi đập vào đầu bạn khác, hoặc cào cấu khiến nhiều bé bị xước da, rách thịt. Ở nhà, gia đình cũng rất vất vả trông coi vì bé quá hiếu động. Đặc điểm của bé Minh chỉ thích làm những việc mình thích, không phản ứng khi người lớn gọi hay dạy bảo. Đưa con đến khám tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, gia đình mới biết bé bị chứng tăng động giảm chú ý.
 Ảnh minh họa
Tương tự, bé Mai Văn Diện con anh Mai Hồng Quang (Thạch Thất, Hà Nội) cũng là một trường hợp điển hình của tăng động giảm chú ý. Năm nay đã 8 tuổi, nhưng bé Diện có thể nghịch ngợm leo trèo cả ngày không biết mệt. Thấy con phát triển thể chất bình thường, lại hiếu động nên cả nhà ai cũng mừng vì nghĩ con thông minh. Khi Diện bắt đầu vào lớp 1, gia đình anh Quang được nghe cô giáo chủ nhiệm phàn nàn nhiều lần về việc con mất tập trung trong lớp, nghịch ngợm mọi lúc mọi nơi. Lúc này, anh mới đưa con đến khám tại BV Nhi T.Ư. Các bác sĩ kết luận cháu mắc chứng tăng động giảm chú ý.
Theo thống kê của BV Nhi T.Ư, trong những năm qua, số lượng trẻ được gia đình đưa đến BV khám và được chẩn đoán mắc chứng tăng động  ngày càng tăng. Tại phòng khám Tâm thần của BV, trung bình một ngày, các bác sĩ tiếp nhận từ 20 - 25 trẻ mắc chứng bệnh này. Đa số các bệnh nhi ở  lứa tuổi tiền học đường hoặc học sinh tiểu học. Còn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, có từ 4 - 8% các trẻ ở lứa tuổi học đường mắc chứng tăng động giảm chú ý.
Phân biệt rõ biểu hiện
Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh - Trưởng khoa Tâm Thần, BV Nhi T.Ư, bệnh tăng động ở trẻ khi mới bị rất khó phát hiện, chỉ khi bé đã mắc một thời gian thì mới biểu hiện rõ rệt. Khi thấy con tăng động giảm chú ý, nhiều bố mẹ lại nhầm tưởng con hiếu động, bởi cùng một biểu hiện nhưng về bản chất hai hiện tượng này lại hoàn toàn khác nhau. Trẻ hiếu động chứng tỏ khỏe mạnh về thể chất và phát triển các kỹ năng vận động tốt. Trẻ tăng động chỉ hành động theo ý thích cá nhân, không hề quan tâm đến môi trường xung quanh, tiếp thu lệch lạc và có hiện tượng khó diễn đạt về ngôn ngữ.
Bác sĩ Thành Ngọc Minh chỉ ra một số biểu hiện đặc trưng của trẻ tăng động giảm chú ý như: Trẻ mắc bệnh thường khó tập trung, dễ xao nhãng bởi những tác động bên ngoài, như tiếng ồn hoặc sự chuyển động. Thường thì những trẻ mắc chứng này đều có mức độ hoạt động không ngừng, lúc nào cũng cựa quậy và rất khó ngồi yên được một lúc lâu. Chúng không chú ý đến một hoạt động cụ thể mà luôn luôn di chuyển sự chú ý sang nhiều hoạt động liên tiếp. Phần lớn những trẻ này thường tỏ ra bốc đồng và hăng hái. Chúng luôn tìm một việc gì đó để làm mà không cần biết việc chúng đang làm là việc gì và thường làm hỏng việc. Các biểu hiện giữa bé trai và bé gái cũng có thể khác nhau. Các bé trai thường biểu hiện hiếu động quá mức trong khi các bé gái có xu hướng kém chú ý.
Tuy gây ra những khó khăn trong học tập, giao tiếp xã hội của trẻ song theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ mắc tăng động giảm chú ý vẫn có khả năng phát triển và hòa nhập cộng đồng nếu được phát hiện và can thiệp sớm.
Để giúp các gia đình có kiến thức hơn về hội chứng này, BV Nhi T.Ư đã thành lập Câu lạc bộ cha mẹ bệnh nhi mắc tăng động giảm chú ý. Câu lạc bộ sẽ là cầu nối giữa các cha mẹ bệnh nhân với các nhân viên y tế, cùng nhau nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho các bé mắc hội chứng.