Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thiết áp dụng chế tài trong phòng, chống dịch

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 4/4, các đơn vị từ quận, huyện, phường, xã trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điển hình như người không đeo khẩu trang nơi công cộng, vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định, khai báo gian dối, trốn tránh cách ly…

Lực lượng chức năng phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, kiểm tra thân nhiệt một người dân ra khỏi nơi cư trú.
Các chế tài trong phòng, chống dịch
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 16 là bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Cùng với yêu cầu người dân hạn chế tối đa ra ngoài, Chỉ thị cũng nêu rõ việc loại trừ các trường hợp thật sự cần thiết, quy định cũng nêu rõ một số trường hợp: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn...
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội chiều 3/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung - Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh đến việc từ ngày 4/4, TP Hà Nội tăng cường kiểm tra, trường hợp nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường sẽ bị xử phạt. Cũng trong ngày 3/4, Sở Tư pháp Hà Nội đã có văn bản đề nghị thông tin, phổ biến về các mức xử phạt liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19. Sở Tư pháp Hà Nội đã nêu 13 hành vi vi phạm và các mức xử phạt từ hành chính đến xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Trong đó, có các trường hợp: Người không đeo khẩu trang nơi công cộng; vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định; khai báo gian dối, trốn tránh cách ly; che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc Covid-19; đưa lên mạng thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19…
Hàng loạt trường hợp bị xử lý
Trong 2 ngày 4 – 5/4, hàng trăm trường hợp vi phạm liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã bị lực lượng chức năng các quận, huyện, phường, xã xử lý. Sáng 5/4, lực lượng chức năng phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp người dân ra đường không thuộc diện được phép. Qua đó, đã ban hành quyết định xử phạt 3 trường hợp, mỗi trường hợp 200.000 đồng. Cũng trong sáng 5/4, các lực lượng chức năng phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) đã lập chốt tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm tại khu vực chợ tạm 7,2ha và đầu ngõ 465 Đội Cấn. Qua đó, phường Vĩnh Phúc đã xử phạt 15 trường hợp không đeo khẩu trang với tổng số tiền 3 triệu đồng.
Tại quận Thanh Xuân, trong ngày 4/4, lực lượng chức năng các phường đã xử phạt 16 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nhắc nhở 24 trường hợp. Trong đó, tại phường Thanh Xuân Nam, lực lượng chức năng phường đã xử phạt 5 trường hợp không đeo khẩu trang. Đồng thời, lập biên bản 1 cơ sở kinh doanh trà sữa đang hoạt động ở đường Nguyễn Trãi, đề xuất Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân xử phạt theo điểm a, khoản 4, Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Ngoài ra, đến ngày 4/4, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân đã xử lý 2 trường hợp đăng tải thông tin gây hoang mang dư luận, sai sự thật lên mạng xã hội…
Góp phần nâng cao nhận thức
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TS Luật học Hoàng Thị Loan (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, nếu chúng ta không quyết liệt trong việc đưa ra đường hướng, đồng thời thực thi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thì hậu quả, rủi ro xảy ra có thể rất lớn, thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát, xử lý của toàn xã hội. Do đó: “Tôi rất đồng tình với các chính sách, biện pháp mà Chính phủ, các tỉnh, TP đã và đang triển khai để hạn chế dịch bệnh lây lan. Ví dụ điển hình như ngày 3/4, Sở Tư pháp Hà Nội đã tuyên truyền, phổ biến về 13 hành vi vi phạm và chế tài áp dụng là một trong những thông điệp mang tính kịp thời cần cung cấp đến người dân. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về dịch bệnh Covid-19, thực hiện các hành vi có trách nhiệm hơn với chính mình và xã hội” - TS Hoàng Thị Loan nhấn mạnh.
Theo TS Hoàng Thị Loan, đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng việc tóm lược thành 13 hành vi vi phạm và chỉ dẫn mức áp dụng chế tài cụ thể được trích dẫn một cách cô đọng, súc tích từ Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây có thể coi là cẩm nang bỏ túi để người dân có thể nắm bắt, hiểu rõ và nhanh nhất về từng hành vi, hậu quả của hành vi khi vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi biện pháp được các cơ quan Nhà nước triển khai đều hướng đến mục đích khắc phục, hạn chế, ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, nhận thức đúng đắn, kịp thời và thực hiện tốt các biện pháp mà Nhà nước đưa ra, góp phần vào công cuộc dập dịch cùng xã hội.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Viện KSND Tối cao phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất chọn một số vụ việc điển hình để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm đáp ứng yêu cầu răn đe, giáo dục chung.