Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất những nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho Cần Thơ nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số như: Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/8/2021 của Thành ủy về chuyển đổi số TP Cần Thơ đến năm 2025; Kế hoạch của UBND TP Cần Thơ về chuyển đổi số TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời cũng xác định 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số của thành phố như: Y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải logistics, năng lượng... Cần Thơ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số của Thành phố và của các ngành, các cấp; Thành lập Tổ công tác, Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng xác định chuyển đổi số gắn với đô thị thông minh, trên cơ sở đó khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh cũng đã cơ bản hình thành như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/4/017 của Thành ủy “Về xây dựng Thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025”, UBND TP đã phê duyệt Đề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
"Để thực hiện thành công chuyển đổi số gắn với đô thị thông minh, TP mong muốn quy tụ nhiều nguồn lực từ các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt, nguồn nhân lực số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai và khẳng định tính hiệu quả chuyển đổi số của thành phố" - ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Thành Nam - Kiến trúc sư giải pháp, Khối giải pháp chính phủ cho rằng, cần đầu tư có trọng điểm cho “Trung tâm điều hành đô thị thông minh” (IOC) – trung tâm chịu trách nhiệm ra quyết định, cảnh báo, quản trị và chỉ huy. Đây là một hệ thống công nghệ thông tin có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành các các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.
Do đó, để IOC vận hành hiệu quả, các địa phương cần xây dựng cơ sở số đồng bộ gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, điện thoại thông minh, nền tảng điện toán đám mây, danh tính số, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, khối chuỗi, an ninh mạng.