Cần Thơ đầu tư đô thị thông minh hơn 1.500 tỷ đồng: Kỳ vọng bứt phá

Trần Huy - Trần Tú (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển chia sẻ, TP định hướng xây dựng phát triển đô thị thông minh, trong đó đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cho dự án tiết kiệm năng lượng và chiếu sáng công cộng.

 Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển 
Thưa ông, theo đề xuất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), TP Cần Thơ sẽ được đầu tư khoảng 67,29 triệu USD (hơn 1.560 tỷ đồng) để phát triển cơ sở hạ tầng thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng với đèn LED và công nghệ thông minh trong chiếu sáng công cộng và các tòa nhà công cộng. Ông đánh giá như thế này về việc này?
- Cần Thơ là cửa ngõ quan trọng kết nối với các tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cần Thơ đang triển khai những quy hoạch nền tảng bài bản cho việc phát triển hạ tầng và quy hoạch đô thị, với chiến lược phát triển đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, không gian kiến trúc, khả năng kết nối với các hệ thống giao thông khác... Trong những năm qua, địa phương ưu tiên hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, cải tạo chỉnh trang, mở rộng không gian phát triển đô thị các quận, huyện.

Cần Thơ cũng đang ra sức xây dựng đô thị thông minh, ưu tiên ở 10 lĩnh vực trọng tâm như: Chính quyền số; quy hoạch đô thị thông minh; giao thông thông minh; quản lý môi trường thông minh; nông nghiệp thông minh; du lịch thông minh; y tế thông minh; giáo dục thông minh và an ninh, an toàn trong đô thị thông minh; hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu trong đô thị thông minh. Ðề án xây dựng đô thị thông minh đã qua 7 lần lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành và chuyên gia. Chính quyền và Nhân dân đang nỗ lực xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh.

Vì vậy, dự án phát triển cơ sở hạ tầng thành phố thông minh, tiết kiệm năng lượng và công nghệ thông minh trong chiếu sáng công cộng mà TP Cần Thơ đầu tư rất phù hợp với định hướng, đường lối phát triển đô thị hiện tại cũng như trong tương lai.
 Một góc TP Cần Thơ.
Được đánh giá là đô thị hạt nhân của ĐBSCL, vậy những thành tựu về đô thị mà TP Cần Thơ đạt được đến nay ra sao, thưa ông?

- Sau khi trở thành đô thị loại I trực thuộc T.Ư, TP Cần Thơ đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Kết quả thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy rõ thêm bước chuyển mình của Cần Thơ.
Nhiều dự án quan trọng được đầu tư như: Dự án đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài) đoạn từ Mỹ Khánh - Phong Ðiền, đường tỉnh 922 từ Quốc lộ 91B đến Cờ Ðỏ, dự án cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến Quốc lộ 61C (huyện Phong Ðiền), dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3)... Các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới cũng được triển khai có thể kể ra gồm khu đô thị mới An Bình (khu 1, 2, 3), khu đô thị mới lô số 9 quận Bình Thủy, các khu đô thị mới (khu đô thị Nam Cần Thơ) tại quận Cái Răng…

Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông của TP được cải thiện; kết nối giao thông trên địa bàn quận, huyện với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và trục đường đô thị. Các công trình giao thông trọng điểm, mang tính chất vùng, tạo động lực đầu tư đã hoàn thành như: Cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn Mỹ Khánh - Phong Ðiền), mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui và cầu Quang Trung, 2 cầu Rạch Tra và Rạch Nhum trên đường tỉnh 922…

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59 về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu "Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ là TP sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL. Điều này đã khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Cần Thơ trong vùng và cả nước.

Với khoản đầu tư hơn 1.560 tỷ đồng, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thành phố thông minh, tiết kiệm năng lượng và công nghệ thông minh trong chiếu sáng công cộng sẽ được thực hiện như thế nào?

- Mục tiêu của dự án là tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải các-bon, cải thiện lợi ích kinh tế - xã hội như an toàn công cộng, cơ sở hạ tầng tốt hơn, tiện nghi và phúc lợi xã hội… Đặc biệt, 19 tòa nhà cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng nằm trong dự án này có thể được hiện đại hóa với nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng khác nhau và góp phần cải thiện chuỗi cung ứng hệ thống lạnh phục vụ tiêm chủng Covid-19.

Dự án sẽ có hai hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là “Chiếu sáng thông minh” sẽ thực hiện cải tạo hơn 30.500 bóng đèn đường hiện hữu bằng đèn LED, thay thế 747 tủ điện/bảng điều khiển cũ bằng trung tâm điều khiển tích hợp các tính năng thông minh, cùng 381 cột đèn thông minh. Vốn đầu tư dự kiến của hợp phần này gần 1.279 tỷ đồng.

Hợp phần 2 “Tòa nhà thông minh”, thực hiện cải tạo 50 tòa nhà công cộng có công suất phụ tải kết nối lớn hơn 600KW, bao gồm bệnh viện, trường học, văn phòng dựa trên kế hoạch hành động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Cần Thơ… Hợp phần này có mức đầu tư 282 tỷ đồng.

Dự án xây dựng hạ tầng thông minh, công nghệ chiếu sáng công cộng liệu có đồng bộ toàn TP hay chỉ tập trung vài khu vực trung tâm? Chính quyền và Nhân dân TP Cần Thơ kỳ vọng điều gì trong tương lai?

- Đến nay, cả 4 huyện của TP gồm Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cần Thơ là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL và thứ ba trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sớm hơn một năm so với kế hoạch. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2019 của TP đạt khoảng 70%, cao hơn gần 2 lần so với mức trung bình cả nước. Cần Thơ cũng là một trong 6 đô thị trọng điểm thực hiện đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 0,66%, thấp nhất so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Với sự phát triển đồng bộ hệ thống giao thông mà TP đang triển khai và hiệu quả mang lại từ dự án sẽ càng làm thay đổi bộ mặt đô thị cũng như nông thôn TP Cần Thơ.
Chính quyền và người dân rất kỳ vọng Cần Thơ sẽ trở thành TP sinh thái, văn minh, hiện đại. Hạ tầng thông minh và công nghệ chiếu sáng công cộng sẽ tạo điểm nhấn rất đặc sắc, hấp dẫn. Đây là yếu tố quan trọng để Cần Thơ tạo ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu giai đoạn tới được xác định xây dựng Cần Thơ  đến năm 2030 trở thành TP sinh thái, văn minh, hiện đại, an toàn, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là TP xanh, văn minh, hiện đại, an toàn, mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL và thuộc nhóm các TP phát triển khá ở châu Á.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần