Dự kiến, công trình được xây dựng trên diện tích 3,5ha, tại quận Cái Răng, gần ngã 3 đường dẫn cầu Cần Thơ.
Phối cảnh mô hình tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ. Ảnh: Cửu Long
|
Công trình sẽ hoàn thành vào năm 2019 gồm các hạng mục: đài tưởng niệm trung tâm 45m; tượng đài trung tâm 40m; tượng các nữ anh hùng Võ Thị Hồng Láng, Nguyễn Thị Đẹp (cùng cao 9m); phù điêu; đá di tích, nhà quản lý…
Ý tưởng này do Ban Liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ khởi xướng với tên gọi ban đầu là "Tượng đài Thanh niên xung phong tuyến 1C" Khu Tây Nam Bộ. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đề xuất và được Chính phủ chấp thuận chủ trương vào năm 2013. Một năm sau, từ ý kiến của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, công trình đổi tên thành "Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ".
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ, công trình mang ý nghĩa lịch sử rất lớn, nhằm ghi nhận đóng góp của những chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh cho đất nước; đồng thời tạo cảnh quan và là điểm nhấn của thành phố…
Trong kháng chiến chống Mỹ, khi tuyến vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phong tỏa thì tuyến đường 1C là nơi hơn 1.200 chiến sĩ thanh niên xung phong (hơn 75% là nữ) vận chuyển vũ khí, khí tài, làm công tác hậu cần, đưa đón hàng nghìn chiến sĩ phục vụ cho chiến trường Tây Nam Bộ nói riêng và miền Nam nói chung trong chiến dịch Mậu Thân 1968, mùa hè rực lửa 1972...
Hoạt động này đã góp phần to lớn vào đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Trên tuyến đường này có hơn 600 chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh - nhiều nhất tại chiến trường Tây Đô. Đến nay, có 400 hài cốt được quy tập.