Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng thường mắc bẫy các công ty tài chính do bị bưng bít nhiều thông tin. Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao nhất lên tới trên 84%/năm. Mức lãi suất này không khác gì “hút máu người vay” khi lãi suất ngân hàng cao nhất cũng chỉ 20%/năm. Khi không trả được thì các công ty liền giở mặt, dùng chiêu trò đe dọa để đòi tiền.
Cẩn trọng bị "bẫy" khi vay tiêu dùng. Ảnh minh họa. |
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tham gia cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng hiện nay căn bản có hai nhóm chủ thể chính, bao gồm các ngân hàng và các công ty tài chính. Thông thường, các ngân hàng sẽ có mức lãi suất cho vay thấp nhưng thủ tục giấy tờ và thời gian phê duyệt khoản vay thường phức tạp và lâu hơn công ty tài chính.
Trong khi đó, các công ty tài chính có thủ tục vay, bộ hồ sơ giấy tờ đơn giản, gọn nhẹ hơn nhưng đi kèm là mức lãi suất cao hơn so với mức của các ngân hàng. Với mức lãi suất mua hàng trả góp, các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình từ 10% - 25%/năm. Mức lãi suất của công ty tài chính phổ biến từ 55% đến cao nhất lên tới trên 84%/năm.
Báo cáo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, theo khiếu nại của người tiêu dùng, nhân viên tư vấn thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ví dụ, khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ 1%-2%/tháng.
Thực tế, mức lãi suất thể hiện trên hợp đồng là 6%/tháng. Thậm chí, thời gian gần đây, có hiện tượng nhân viên tư vấn mạo danh tên của ngân hàng để giới thiệu dịch vụ cho vay. Thực tế, sau khi kiểm tra hợp đồng đã ký kết, người tiêu dùng mới nhận thấy khoản vay là do công ty tài chính cung cấp với mức lãi suất khá cao.
Nhiều khiếu nại của người tiêu dùng cho thấy, tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhân viên thường hối thúc người tiêu dùng nhanh chóng ký mà không để người tiêu dùng đọc, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng.
Sau khi ký kết hợp đồng cho vay tín dụng, nhân viên từ chối giao bản hợp đồng gốc để người tiêu dùng lưu giữ hoặc không cho phép người tiêu dùng sao chụp hợp đồng. Trong những trường hợp này, nhân viên tư vấn thường lấy lý do phải chuyển hợp đồng về công ty để lấy dấu, hẹn sẽ chuyển theo đường bưu điện cho người tiêu dùng sau.
Vì vậy, khi có tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phản ánh và làm việc với đơn vị tài chính. Ví dụ, việc gọi điện tới tổng đài điện thoại của công ty thường tốn nhiều tiền cước, lời thoại hướng dẫn dài dòng, khó hiểu; nhân viên tổng đài không ghi nhận nội dung khiếu nại, dẫn tới, khi lần sau gọi lại, người tiêu dùng mất thêm thời gian để trình bày vụ việc…
Nhiều trường hợp người tiêu dùng không thể chứng minh được thời điểm gửi khiếu nại tới công ty do hình thức liên lạc qua điện thoại không được ghi nhận đầy đủ.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trước khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính, đặc biệt là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa. Người vay cần hiểu rõ các nội dung thông tin cơ bản của hợp đồng vay như: lãi suất, thời gian vay, quy định về trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm...Người vay chỉ ký hợp đồng sau khi nắm rõ, nhìn rõ các thông tin thể hiện trên hợp đồng. Sau khi ký hợp đồng, yêu cầu cung cấp bản sao hoặc sao chụp bản hợp đồng đã ký để lưu giữ.
“Trường hợp có thắc mắc hoặc vấn đề phát sinh liên quan tài chính tiêu dùng, người tiêu dùng có thể liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại đầu số miễn phí 1800.6838 của Cục để được hỗ trợ”, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.