Kinhtedothi - Sau thời gian thí điểm tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm, sáng 10/8, đồng loạt 144 phường của 10 quận còn lại trên địa bàn TP chính thức vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 để phục vụ người dân giao dịch hành chính lĩnh vực tư pháp và liên thông TTHC đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT theo Thông tư liên tịch số 05. Bố trí đầy đủ cán bộ, máy móc Theo ghi nhận của Kinh tế & Đô thị, tại bộ phận Một cửa (BPMC) các phường đều có cán bộ, máy móc sẵn sàng phục vụ người dân làm các thủ tục này, song trên thực tế chưa có nhiều giao dịch trực tuyến… 9 giờ, tại BPMC UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), có đủ 3 cán bộ trực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, khá đông người dân đến giao dịch song tất cả đều đang kê khai trên giấy chứ không có trường hợp nào nộp hồ sơ trực tuyến. Bà Lê Diệu Ly - cán bộ Một cửa phụ trách văn phòng thống kê cho biết: “UBND phường đã cử 4 cán bộ BPMC tập huấn ở quận và ở TP đầy đủ theo yêu cầu; bố trí 2 máy tính, đường truyền, máy in, máy scan… sẵn sàng phục vụ người dân. Từ một tuần nay, chúng tôi đã cho phát thanh trên loa phường về chủ trương của TP, lợi ích của DVC mức độ 3 để khuyến khích người dân sử dụng”. Theo quan sát của phóng viên, tại BPMC đã niêm yết các văn bản của UBND TP, Sở TT&TT và UBND quận về việc triển khai hệ thống DVCTT này. Tuy nhiên, một số người dân đang giao dịch tại đây khi được hỏi đều trả lời “chưa biết có dịch vụ này, hôm nay ra UBND phường thì mới thấy tờ văn bản dán ở đây”. Theo bà Ly, trong mấy ngày qua, người dân ra UBND phường giải quyết TTHC chủ yếu là người cao tuổi, đều khai hồ sơ trên giấy để nộp trực tiếp chứ chưa ai hỏi về DVC mức độ 3.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung chia sẻ: "Từ nhiều ngày trước, UBND quận đã tiến hành kiểm tra, rà soát về cơ sở vật chất, con người tại cả 14 phường để sẵn sàng cho công việc mới. TP tập huấn cho các cán bộ quận, phường trong 3 ngày (3 - 5/8) thì Ba Đình đã tập huấn cho cán bộ phường từ trước đó. Nhờ đó, cán bộ đã xử lý thành thạo các thiết bị, máy móc". Từ tinh thần quyết tâm đó, hầu hết các phường ở quận Ba Đình đều chuẩn bị tốt và ngay trong ngày đầu đã bố trí đầy đủ cán bộ, thiết bị sẵn sàng phục vụ người dân. UBND quận cũng đã yêu cầu các phường trong 20 ngày đầu phải có báo cáo nghiêm túc, đầy đủ vào cuối ngày; sau đó, sẽ báo cáo hàng tuần. Tại UBND phường Liễu Giai (quận Ba Đình), cùng với phát thanh trên loa từ nhiều ngày trước, sáng 10/8 đã mở cửa tiếp nhận hồ sơ từ 7 giờ 45 phút, sớm hơn mọi ngày. Đồng thời, phường cũng phân công một công chức văn phòng thống kê chuyên hướng dẫn những người có nhu cầu về cách sử dụng phần mềm mới. UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình) cũng đã tuyên truyền về DVC này trên loa phường từ một tuần trước vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều hàng ngày. Tuy nhiên, trong cả buổi sáng 10/8, dù có gần 20 trường hợp đến giao dịch hành chính nhưng chủ yếu về chứng thực giấy tờ, xác nhận sơ yếu lý lịch và các văn bằng khác…; cán bộ Một cửa chưa tiếp nhận trường hợp nào nộp hồ sơ trực tuyến. Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết: Trong ngày đầu tiên, có 4 trường hợp người dân đến làm TTHC trong lĩnh vực đăng ký khai sinh và liên thông cấp đăng ký thường trú - thẻ BHYT, đã được cán bộ Một cửa hỗ trợ đăng nhập để nộp hồ sơ trực tuyến. Đây cũng là kết quả của việc đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân, bên cạnh dán niêm yết tại BPMC, UBND phường còn phát trên loa hàng ngày, dán niêm yết đến từng khu dân cư, nhà văn hóa… từ nhiều ngày trước đó. Ngay trong ngày đầu triển khai, phường đã bố trí 2 đoàn viên thanh niên liên tục trực tại BPMC để cùng cán bộ hỗ trợ người dân giao dịch trực tuyến, dự kiến sẽ hỗ trợ đến tận khi nhiều người dân hiểu được lợi ích và sử dụng DVC này. Cần bài bản hơn trong khâu tuyên truyền Theo ghi nhận của phóng viên, các cán bộ quận, phường đều được tập huấn đầy đủ về chủ trương của TP cũng như cách tác nghiệp đối với loại DVC mới này. Tuy nhiên, dù cán bộ được tập huấn, được tuyên truyền đầy đủ, song bên cạnh một số phường tích cực trong công tác tuyên truyền thì tại nhiều nơi, việc tuyên truyền đến tận người dân dường như chưa được bài bản, sâu sát đến tận địa bàn dân cư. Chính điều đó là nguyên nhân quan trọng khiến cho đến tận ngày DVC này được chính thức triển khai mà nhiều người dân chưa hề hay biết. Theo kế hoạch ban hành từ cuối tháng 7/2016, TP yêu cầu UBND các quận và phường phải chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về hệ thống DVC mức độ 3 trên địa bàn quản lý, nhất là tăng cường niêm yết công khai tại BPMC và các khu dân cư, điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa để công dân, tổ chức biết về cách thức và mục đích đạt được khi sử dụng DVC mức độ 3 và 4. Đồng thời, TP cũng yêu cầu các phường tăng bố trí cán bộ, huy động thêm nhân sự để hỗ trợ người dân nhập hồ sơ trực tuyến khi công dân đến BPMC nộp thủ tục. Mặc dù vậy, tại BPMC phường Điện Biên trong ngày đầu triển khai vẫn chưa thấy niêm yết thông báo hay hướng dẫn gì về loại DVC mới này. Khi phóng viên đề cập vấn đề đó, lãnh đạo phường mới chỉ đạo cán bộ “ngay trong chiều nay (10/8) phải dán công khai văn bản mới này”. “Trường hợp người dân nào đến mà có nhu cầu về giao dịch trực tuyến trong các lĩnh vực TTHC đó thì cán bộ phường mới hướng dẫn họ” - bà Đặng Thị Lại - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên cho biết. Tại hầu hết các phường mà phóng viên khảo sát, khi được hỏi về việc phát tờ rơi, dán niêm yết về DVC này đến tận nhà văn hóa, khu dân cư, thì cán bộ trả lời: Chúng tôi chưa nắm được chỉ đạo này, mới chỉ tổ chức phát trên loa phường. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Liễu Giai Nguyễn Ngọc Tân chia sẻ: “Thực tế công tác này được TP triển khai tương đối gấp, cán bộ phường cũng có nhiều nhiệm vụ chưa kịp thực hiện ngay. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ làm nghiêm túc hơn về việc tuyên truyền để nhiều người dân nắm được”. Cũng theo nhiều cán bộ phường, để DVCTT này được người dân hiểu và làm theo trong “ngày một, ngày hai” là tương đối khó, còn cần thời gian dài. Vì đa số người dân ra UBND phường làm TTHC là các ông, bà đã về hưu, có nhiều thời gian làm hộ con, cháu. Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên Đặng Thị Lại bày tỏ: “Trước mắt chỉ hy vọng những người đang là công chức Nhà nước, các bạn trẻ…, mà chúng tôi gọi vui là “công dân @, sử dụng DVCTT này. Từ TP đến tận phường sẽ phải làm tốt hơn nữa khâu tuyên truyền, để ngày càng nhiều người dân biết và sử dụng dịch vụ”.
Người dân tìm hiều về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại UBND phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Linh Chi |
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nhiều cán bộ phường cũng đề xuất TP cần quan tâm hơn nữa về máy móc thiết bị CNTT phục vụ việc triển khai DVC này. Thực tế ngay trong ngày đầu triển khai tại UBND phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), 2 máy tính cùng với đường truyền được TP trang bị đã bị trục trặc không sử dụng được, mà nguyên nhân ban đầu được nhận định do lỗi bảo mật. Lãnh đạo UBND phường Dịch Vọng Hậu cũng phản ánh: Hệ thống đang sử dụng mạng nội bộ với tốc độ rất chậm, cán bộ phường gọi điện cho đơn vị hỗ trợ thì trong cả ngày không liên lạc được. TP cần trang bị đường truyền tốc độ cao hơn thì người dân mới có thể tra cứu, đăng nhập thông tin nhanh chóng. Ngoài ra, các phường rất mong được TP hỗ trợ thêm kinh phí để thực hiện đồng bộ công tác này. |