Cần xem xét tính pháp lý của thương vụ chuyển nhượng BigC

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù thương vụ bán chuỗi hệ thống siêu thị Big C ở Việt Nam với giá đến hơn 1 tỷ USD đã hoàn tất khá lâu, nhưng đến nay, cơ quan thuế Việt Nam vẫn chưa thu được khoản thuế chuyển nhượng nào. Theo các chuyên gia kinh tế, cần phải xem xét tính pháp lý của thương vụ chuyển nhượng này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sau gần hai tháng kể từ khi Tập đoàn Casino (Pháp) chuyển nhượng BigC Việt Nam cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan), cơ quan thuế vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế của thương vụ chuyển nhượng. Theo quy định của Việt Nam, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn. Ước tính số tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng BigC vào khoảng 3.600 tỷ đồng.

Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Central Group và Nguyễn Kim Group đã thông báo nhận chuyển nhượng hệ thống BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino vào ngày 29/4, với giá trị chuyển nhượng là 1,04 tỷ USD.

Tổng cục Thuế cũng đã có văn bản gửi các bên liên quan trong thương vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C yêu cầu các bên phối hợp kê khai, nộp thuế chuyển nhượng. Cơ quan thuế Việt Nam yêu cầu, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, Tập đoàn Casino và Tập đoàn Central phối hợp kê khai, nộp thuế chuyển nhượng vốn hệ thống Big C theo quy định. Trường hợp các bên chậm kê khai và nộp thuế so với thời hạn, cơ quan thuế Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

Ngày 22/6, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ với một số đại diện Tổng cục Thuế nhưng người thì cáo bận họp, người thì không nghe máy. Theo một nguồn tin của báo Kinh tế & Đô thị, hiện Tổng cục Thuế đang tiến hành báo cáo với các cơ quan cao hơn về thương vụ này.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần phải xem xét về mặt pháp lý của thương vụ chuyển nhượng này. Ví dụ, BigC đã chuyển đổi pháp nhân hay chủ sở hữu chưa, có thực hiện việc đổi tên… không?.

“Thông thường, khi đã chuyển nhượng, họ sẽ đổi tên. Vì thế, DN sẽ buộc phải chuyển đổi nhưng họ chuyển đổi ở mức thấp nhất với chi phí thấp nhất” - ông Long nói. Vậy, làm sao để cơ quan thuế Việt Nam thu được số thuế chuyển nhượng cao nhất từ thương vụ BigC nói riêng và các thương vụ DN FDI chuyển nhượng nói chung, ông Long cho rằng, cơ quan thuế cần tiến hành thanh, kiểm tra. 

“Ví dụ, anh mua một cái nhà hay cái xe mới. Để “né” thuế, anh có thể không sang tên chủ sở hữu. Tuy nhiên, khi làm thủ tục thế chấp đi vay, nhà, xe đó phải thuộc sở hữu của anh mới được chấp nhận. Chúng ta sẽ thu được thuế nhờ thực thi tốt các quy định của pháp luật” - ông Long nói.

Do tập đoàn Casino hoạt động ở Việt Nam mở 33 điểm bán ở nhiều tỉnh thành trên cả nước với nhiều pháp nhân ở các địa phương khác nhau, nên việc điều chỉnh phải thực hiện ở các địa phương đó. Theo nhiều thông tin, một số địa phương vẫn chưa nhận được hồ sơ điều chỉnh về chủ đầu tư mới của chuỗi siêu thị Big C. Do đó, pháp nhân và chủ đầu tư của chuỗi siêu thị BigC trên một số địa bàn hiện nay không có gì thay đổi so với những năm trước đây.

Trước đó, đại diện Tổng cục Thuế cũng khẳng định, tất cả hoạt động liên quan đến chuyển nhượng vốn trực tiếp và gián tiếp liên quan đến sở hữu trí tuệ, thương mại, nhãn hiệu và quyền kinh doanh, trong trường hợp như Metro hay tới đây là BigC, sẽ liên quan đến quyền kinh doanh, thì cơ quan thuế vẫn sẽ thu được thuế ngay cả khi DN này lỗ.

“Chúng ta phải khôn ngoan, không thể bỏ sót nguồn thu. DN có lỗ như vậy, chúng tôi phải tìm cách. Người ta có lỗ hôm nay, nhưng sau đó sẽ tìm cách thu ở lúc khác, đó là trách nhiệm chung” - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn Nguyễn Văn Phụng cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần