Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên: Các ngân hàng Trung Quốc "nín thở"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các ngân hàng Trung Quốc đang “nín thở” theo dõi diễn biến căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Căng thẳng Mỹ - Triều gia tăng gần đây sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo đáp trả bằng “lửa và cuồng nộ” nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa chiến tranh hạt nhân. Bình Nhưỡng theo đó đã lên kế hoạch phóng 4 quả tên lửa đạn đạo tầm trung về phía đảo Guam.

Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên gây áp lực cho nhiều ngân hàng Trung Quốc. Ảnh AFP
Trước những tuyên bố nghị quyết trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng được Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu thông qua ngày 5/8 do Mỹ chấp bút và vận động lá phiếu của các thành viên, Bắc Kinh đã gật đầu và thậm chí tuyên bố "chấp nhận chịu thiệt" để "chắc chắn sẽ triển khai nghị quyết mới 100%, đầy đủ và nghiêm túc" như cam kết của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Manila hôm 7/8. Một số chuyên gia cho rằng, việc Bắc Kinh dễ dàng chấp thuận bản nghị quyết lần này nhằm bảo vệ các ngân hàng Trung Quốc liên quan tới Triều Tiên trước nguy cơ một lệnh trừng phạt thứ cấp.
“Bắc Kinh chấp thuận thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm đánh đổi một tương lai tốt hơn cho các tập đoàn, nhà băng nước này”, theo Andrew Gilhom - Giám đốc phân tích tại Control Risks. Jessica Bartlett - Chuyên gia cấp cao tại ngân hàng Freshfields Bruckhaus Deringer (Anh) khẳng định: “Các nhà chính sách Mỹ có khả năng cấm một ngân hàng thanh toán bằng USD. Với lượng lớn giao dịch bằng đồng bạc xanh, lệnh cấm này đủ sức mạnh khiến nhiều ngân hàng Trung Quốc ngừng hoạt động”.
Những lệnh trừng phạt tương tự trước đó đã từng khiến một số ngân hàng Trung Quốc lao đao. Một báo cáo của Liên Hợp quốc đầu năm 2017 cáo buộc các ngân hàng và DN Triều Tiên vẫn duy trì được các giao dịch với thị trường tài chính quốc tế nhờ sự trợ giúp của một hệ thống các DN Trung Quốc. Theo AFP, hồi cuối tháng 6, Mỹ đã có động thái trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với một ngân hàng Trung Quốc sau cáo buộc nhà băng này chuyển tiền bất hợp pháp cho Triều Tiên. Hiện nay, Trung Quốc là đồng minh thân cận, cũng như đối tác kinh tế chính của Triều Tiên với kim ngạch thương mại 2,6 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm nay.
Đây không phải là lần đầu tiên Washington nhằm vào các ngân hàng bất tuân lệnh trừng phạt. Năm 2015, nhà băng Pháp BNP Paribas đối diện án phạt 8,9 tỷ USD do vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Iran, trường hợp vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên còn có thể bị ra án nặng hơn. Vào thời điểm này, các ngân hàng của Bắc Kinh hiểu rõ, khả năng Mỹ sẽ trừng phạt những DN có hoạt động liên đới với Triều Tiên là rất lớn. Công cụ Washington sử dụng là “mũi tên trúng hai đích” khi vừa cảnh cáo được Bình Nhưỡng, lại vừa “dằn mặt” được Bắc Kinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần