Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảng tự lập hoạt động trái phép

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người dân xã Trung Giã về việc...

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người dân xã Trung Giã về việc nhiều năm qua, trên địa bàn xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) xuất hiện hàng loạt bến cảng thủy nội địa không được cơ quan chức năng cấp phép nhưng hàng ngày vẫn ngang nhiên hoạt động.

Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe quá tải chở vật liệu xây dựng, than từ cảng ra làm mất ATGT, cày nát đường liên huyện, gây bức xúc với người dân khu vực.

Cảng trái phép làm khổ người dân

Để tìm hiểu sự việc này, phóng viên đã “mục sở thị” cảng thủy nội địa. Theo quan sát, chứng kiến từng đoàn xe “hổ vồ” chở đầy than cám mang các BKS tỉnh Thái Nguyên “ăn hàng” nối đuôi nhau từ cảng tự lập trái phép ùn ùn kéo ra, ngày đêm phá nát đường liên huyện và QL3 (cũ).
Một bến cảng tự lập hoạt động trái phép tại xã Trung Giã.
Một bến cảng tự lập hoạt động trái phép tại xã Trung Giã.
Tại bến cảng Hà Tư, dưới sông, các máy xúc hối hả xúc cát, đá, than từ xà lan; trên bờ, những xe “siêu trọng tải” ra vào nườm nượp. Bên trong, máy ủi, máy xúc hoạt động náo nhiệt còn bên ngoài xe tải mặc sức tung hoành, đoạn đường hướng Sóc Sơn – Hiệp Hòa oằn mình gánh những đoàn xe quá tải; cát, đá, than văng xuống đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, sự việc này theo ghi nhận của phóng viên, không hề thấy bất cứ cơ quan chức năng nào trên địa bàn có động thái ngăn chặn, kiểm soát (?).

Một số người dân địa phương cho biết, hoạt động của bến cảng Hà Tư do ông Trần Văn Hà, có địa chỉ tại Phố Nỷ (xã Trung Giã) khai thác. Toàn bộ diện tích hàng chục ngàn mét vuông được ông Hà sử dụng làm bến bãi trái phép. Từ nhiều năm qua, hoạt động tại bến cảng này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì đường đầy bùn đất trơn trượt, nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

Cũng theo người dân địa phương, hiện nay, bến cảng Hà Tư đang được mở rộng quy mô, kiên cố hóa, tăng cường cơ giới hóa các hạng mục như cần trục, băng tải cho một bãi chứa gỗ dăm rộng hàng ngàn mét vuông. Trước việc này, người dân địa phương lo lắng về sự gia tăng của xe "hổ vồ" khiến cuộc sống của họ tiếp tục đối mặt với ô nhiễm...

Chính quyền sở tại làm ngơ?

 Để làm rõ những bức xúc của người dân, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Trung Giã tồn tại nhiều bến bãi trung chuyển, cảng thủy, trong đó có cảng Hà Tư. Tuy nhiên, tất cả các bến bãi này đều hoạt động trái phép. “Trước đó, Phòng TN&MT huyện đã tham mưu cho cấp ủy trực tiếp chỉ đạo xã Trung Giã nghiêm cấm không được cho các hộ ký hợp đồng, thu phí. Đồng thời, yêu cầu UBND xã Trung Giã xử lý yêu cầu giải tỏa các bến bãi đó, báo cáo về UBND huyện Sóc Sơn và Phòng TN&MT huyện, nhưng cũng chỉ dừng lại ở phạt hành chính. Sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra…” - ông Giang khẳng định.

Theo lời giải thích của ông Nguyễn Văn Toàn - cán bộ phòng TN&MT huyện Sóc Sơn: Trước đây, khu vực bến bãi trên xã Trung Giã là nơi sản xuất, kinh doanh của tập thể HTX khai thác cát sỏi Sông Công và Đa Phúc. Từ năm 1990 thì 2 HTX này giải thể, các hộ gia đình là thành viên của HTX, mỗi xã viên được một phần diện tích nhỏ hoạt động kinh doanh cát sỏi (khoảng 100m2/xã viên). Nói về khu vực cảng Hà Tư, ông Toàn cho biết thêm, để có diện tích như bây giờ, gia đình chủ bến Hà Tư mua thêm diện tích đất từ các hộ khác, nhưng giấy phép kinh doanh khu vực đó thì chưa được cấp.

Cũng theo ông Toàn, trong năm 2014, huyện đã liên tục ra các văn bản yêu cầu các bến bãi nội thủy trên địa bàn ngừng hoạt động như Văn bản số 660/UBND- TNMT ngày 28/5/2014 về việc phê bình Chủ tịch UBND xã Trung Giã không thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND huyện tại Văn bản số 517/UBND-TNMT ngày 5/5/2014, đồng thời yêu cầu phải tiếp tục có biện pháp quyết liệt trong việc giải tỏa các bến bãi trước ngày 10/6/2014. Tiếp đó, ngày 3/9/2014, UBND huyện lại ra tiếp Văn bản số 1279 về việc xử lý vi phạm đất đai, giải tỏa các bến bãi tại Trung Giã.

Trong bản cam kết mà hộ chủ bến Hà Tư ký ngày 10/6/2014 có ghi rõ: "Tôi đã sử dụng 3.181m2 tại vị trí nói trên nhưng từ đó đến nay chưa được sự đồng ý của các cấp chính quyền và tôi đã vi phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất... tôi xin cam kết thực hiện đình chỉ hoạt động của bãi chứa; thu dọn toàn bộ cát sỏi, vật liệu và di chuyển toàn bộ máy móc, phương tiện ra khỏi vị trí bến bãi...". Tuy nhiên, đến nay, bến cảng Hà Tư vẫn ngang nhiên hoạt động. Trước việc này, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng đằng sau hoạt động của bến cảng này có dấu hiệu tiêu cực, vì vậy mà chính quyền sở tại vẫn làm ngơ cho sai phạm?

Liên quan đến vụ việc này, ông Đinh Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giã cho biết, trước năm 2004, UBND xã có thu tiền phí hàng năm, đến năm 2005, biết cảng không có phép, biết thu phí là sai nên từ đó không thu phí nữa. UBND xã cũng đã yêu cầu các chủ hộ kinh doanh trên khu vực đó phải làm thủ tục xin cấp phép, nhưng do thủ tục khó nên chưa thực hiện được.

Khi phóng viên hỏi về tình hình hoạt động của bến cảng Hà Tư, vị Phó Chủ tịch xã khẳng định, cảng đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa clip và ảnh về tình hình hoạt động cũng như việc đang mở rộng và kiên cố hóa bến bãi tại cảng Hà Tư, thì ông Thọ… im lặng (?).

Có thể nói, những sai phạm tại bến cảng Hà Tư đã rõ, đề nghị các cấp chính quyền huyện Sóc Sơn cần nhanh chóng vào cuộc và có biện pháp xử lý dứt điểm nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân địa phương và tránh tình trạng đơn thư kéo dài.