Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo bão giá nguyên liệu, hàng hóa

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường toàn cầu đang chứng kiến đà tăng mạnh của nhiều loại nguyên liệu cơ bản và hàng hóa, điều này tạo nên cơn sốt hàng hóa trên toàn cầu.

Sản xuất phân bón tại nhà máy đạm Phú Mỹ. Ảnh: Lam Thanh
Nhiều mặt hàng tăng giá
Nền kinh tế thế giới phục hồi đang tác động rõ rệt đối với nhiều loại hàng hóa, từ giá đồng, thiếc đến giá đường, thịt lợn đều đã tăng vùn vụt.

Trong số các hàng hóa tăng phi mã, không thể không nói tới dầu thô, đã tăng 30% trong một năm qua. Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng khác như nhóm đồ uống và thuốc lá… đều tăng, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Theo Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi tăng 20 - 30%. Giá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (phân bón, giống cây trồng, vật nuôi…) đã tăng đến gần 6,8%. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản tăng mạnh từ đầu năm 2021, có loại tăng hơn 10%.

Đối với sản xuất công nghiệp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng gần 5%, giá vật liệu xây dựng cũng đã tăng gần 2%... Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) mới đây đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ khẩn thiết kiến nghị cơ quan này có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến. Không chỉ nhà thầu lo phá sản, rất nhiều người dân đang xây nhà cũng khốn khổ vì giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, chưa có dấu hiệu giảm.

Lo nhập khẩu lạm phát

Giá các loại hàng hóa trong nước tăng do ảnh hưởng của giá thế giới. Quặng sắt - thành phần quan trọng trong sản xuất thép, gỗ đều đạt mức giá cao kỷ lục trong tuần qua. Giá đồng cũng đã giao dịch trên 10.000 USD lần đầu từ năm 2011. Thiếc vốn là nguyên liệu quan trọng dùng cho vi mạch điện tử, linh kiện ô tô, pin cũng tăng giá cao nhất kể từ năm 2011. Giá thiếc hiện đã tăng gấp đôi so với một năm trước.

Giá các mặt hàng nông sản chủ chốt gồm: Ngũ cốc, hạt có dầu, đường, sữa cũng tăng vọt. Trong đó giá ngô lần đầu tiên vượt mức 7 USD/1 bushel (1 bushel ngô tương đương 25,4kg) sau 8 năm, đậu nành cũng có mức giá tăng cao nhất trong khoảng thời gian này. Chỉ số S&PGSCI, theo dõi biến động giá của 24 nguyên liệu thô, đã tăng 24% trong năm nay. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên chi phí vận chuyển tăng trung bình 200 - 300%.

Trong năm 2021, theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng dương ít nhất 5,5%, sau khi tăng trưởng âm trên 4% vào năm 2020. Dự báo giá hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới cả năm tăng trung bình khoảng 20%. “Đây là nguy cơ có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn trong thời gian tới mặc dù trong các tháng vừa qua chúng ta kiềm chế lạm phát tương đối tốt” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp - Học viện Tài chính) phân tích.

Các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, kìm mức lạm phát dưới 4% trong năm 2021 là nhiệm vụ hết sức khó khăn hiện nay khi nhiều nước tung ra các gói kích thích kinh tế và hầu hết giá nguyên vật liệu trên thế giới đang tăng. Từ đó, ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm sản xuất khi đưa ra thị trường. Theo tính toán, nếu giá dầu thô ở mức 60 USD/thùng, CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%. Các chuyên gia về giá cũng nhận định còn nhiều loại dịch vụ công tạm gác lại, chưa tăng giá theo lộ trình do dịch Covid-19 cũng gây áp lực lên mặt bằng giá.
Trong bối cảnh giá cả thị trường căng thẳng như hiện nay, đề nghị các công ty sản xuất thức ăn cần tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu; giảm các chi phí sản xuất để giảm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm, giữ ở mức độ hợp lý

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến