Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn nhắc nhở các ngân hàng thương mại trong nước kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực bất động sản khi thị trường này chưa phục hồi vững chắc, hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, NHNN cho biết, qua công tác quản lý về hoạt động ngân hàng trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại nói chung còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.
Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Thậm chí, một số ngân hàng còn đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.
 Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2019, có 61.037 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hàng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng là 16,2 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, phù hợp với các đặc điểm hoạt động kinh doanh của ngân hàng và theo đúng Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016; phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị, nhân viên của ngân hàng để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ.
Không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, trong đó đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Đăc biệt, tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu chuyển đổi với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng/doanh nghiệp khác, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã ồ ạt phát hành trái phiếu để huy động vốn. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu của việc thị trường này đang khát vốn do bị siết dòng vốn tín dụng.
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nửa đầu năm nay đã có khoảng 60.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Số liệu thống kê bên phía Công ty chứng khoán MB cũng ước tính vào khoảng 70.000 tỷ đồng.
Trong đó, có khoảng 20.000 tỷ đồng là giá trị trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản phát hành.
Đặc biệt, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không chỉ tăng về quy mô mà còn tăng mạnh về lãi suất. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lãi suất trái phiếu lên tới 11-13%/năm, cá biệt có một vài doanh nghiệp đưa ra con số 14,5%/năm với trái phiếu tín chấp của mình.