Theo khuyến cáo từ Bộ Công an, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi. Trong đó, hoạt động chủ yếu là trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, hành vi chiếm đoạt tài sản của các chủ thẻ hoặc sử dụng thẻ ngân hàng giả để rút tiền tại các cây ATM.
Cảnh báo trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng |
Trong thời gian qua, lực lượng công an cũng đã bắt giữ nhiều băng ổ nhóm tội phạm người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thông qua hình thức du lịch để hành nghề trộm cắp tại các cây ATM.
Nhiều cây ATM đặt ở các ngân hàng, địa điểm công cộng được các đối tượng sử dụng những thiết bị công nghệ cao để trộm cắp thông tin tài khoản cá nhân của khách hàng nhằm chiếm đoạt tiền. Các đối tượng thường hoạt động theo nhóm với phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Hầu hết các trường hợp bị đánh cắp thông tin thẻ ATM trong nước đều là những thẻ được làm bằng thẻ từ, khả năng bảo đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu không cao, dễ bị sao chép.
Do đó theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, khi rút tiền tại các cây ATM, người rút tiền cần quan sát có thiết bị nào lạ hay không. Nếu phát hiện hay có nghi vấn, không nên giao dịch để tránh rủi ro và báo ngay cho cơ quan chức năng.
Người dùng nên đăng ký hạn mức giao dịch cũng như dịch vụ thông báo khi có giao dịch với ngân hàng mà mình sử dụng dịch vụ, mỗi khi số dư thay đổi sẽ nhận được SMS thông báo. Khi thấy có bất thường cần báo ngay cho ngân hàng để khóa thẻ.
Đặc biệt, người dùng không nên mua hàng, nhập mã thẻ tín dụng trên các website không tin tưởng. Đối với các giao dịch qua thẻ, nên khóa chức năng thanh toán trực tuyến nếu không có nhu cầu. Có thể yêu cầu mở khi cần và khóa lại ngay sau đó thông qua các tổng đài hỗ trợ khách hàng.
Đối với khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến thường xuyên cần có thẻ phụ với hạn mức tối đa hợp lý cho mỗi lần thanh toán. Người dùng nên dán hoặc che số CVV ở mặt sau thẻ (sau khi ghi nhớ) vì số này chỉ có tác dụng khi thanh toán trực tuyến) để tránh bị lộ khi thanh toán tại các máy POS...