Cụ thể, tổng cộng 12 container đã bị thu hồi và bị yêu cầu trả về Việt Nam, trong đó có 2 container nhà cung cấp Seanamico từ chối nhận về từ Pháp.
Phía Casino cho biết việc chiếu xạ không bị cấm nhưng phải tuân thủ theo quy định của chỉ thị số 1999/2/CE ngày 22/2/1999 của châu Âu và bị kiểm tra rất kỹ ở Pháp.
Hơn nữa, chưa có phòng kiểm nghiệm có thể xác định sản phẩm đã qua xử lý chiếu xạ và tại Việt Nam chưa có Trung tâm chiếu xạ được EU cung cấp chứng nhận. Nếu không chấm dứt việc xử lý chiếu xạ, sẽ có ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam sang EU.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị nước nhập khẩu cảnh báo và yêu cầu trả về.
Cụ thể, từ năm 2010 đến hết tháng 5/2015, đã có 183 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo, riêng năm 2014 con số này ở mức 41 lô, chiếm 31% tỷ lệ hàng xuất khẩu.
Việc bị cảnh báo nhiều sẽ khiến các sản phẩm thủy sản Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ hơn bởi cơ quan chức năng của nước nhập khẩu, tạo nguy cơ ngành thủy sản Việt Nam mất thị phần vào các nhà cung cấp tại Ấn Độ và các nước cạnh tranh khác tại châu Á.
Nhằm khắc phục tình trạng nói trên và không để xảy ra trường hợp tương tự trong thời gian tới, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nhận thức rõ về vấn đề xử lý chiếu xạ sản phẩm xuất khẩu.
Cụ thể, các doanh nghiệp phải cải thiện và tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất từ vùng nuôi trồng đến nơi sản xuất và xuất khẩu. Các cơ quan chức năng của Nhà nước như Bộ Công Thương, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) có thể hỗ trợ và cung cấp thông tin chi tiết cho các doanh nghiệp về các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU.
Ngoài ra, các Trung tâm Chiếu xạ của Việt Nam cũng cần xem xét chuẩn hóa để được EU chứng nhận.
Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp được ký kết và triển khai thực hiện, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất lớn, do thuế quan sẽ được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh cho hàng thủy sản.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tiếp tục chủ động thích ứng với các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh và chất lượng hàng hóa, bởi các điều kiện này sẽ không giảm.
Ảnh minh họa.
|