Nguy cơ đến từ sự chủ quan
Cũng như mọi năm, sau Tết Nguyên đán, gia đình bà Đôn Thị Hưng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai lại bắt đầu tái đàn gia cầm. Đối với bà Hưng, dù chăn nuôi trong mùa nào, bà cũng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh để đàn gia cầm luôn khỏe mạnh, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình.
Ngày 3/2, Bộ NN&PTNT đã có Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động các biện pháp phòng dịch, tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng. |
Tuy nhiên, không phải hộ chăn nuôi gia cầm nào cũng có ý thức phòng chống dịch bệnh tốt. Mặc dù ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền nhưng vẫn có tình trạng chủ quan, chưa tiêm phòng đầy đủ. Hộ ông Đồng Văn Đệ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức sau khi tiêu hủy đàn lợn do dịch tả châu Phi cũng chuyển sang chăn gà thịt. Do không có kinh nghiệm chăn gia cầm và chủ quan với số lượng ít nên ông Đệ không tiêm phòng cho đàn gà của gia đình. Điều mà ông Đệ cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác không lường trước được là chỉ cần một ổ dịch cúm gia cầm nhỏ cũng có thể phát tán, lây lan thành đại dịch.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, một số hộ chăn nuôi đã chuyển sang chăn gia cầm khiến đàn gia cầm trên địa bàn TP tăng nóng. Hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn Hà Nội là 40,1 triệu con, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó gà 26,5 triệu con, tăng 17,1%. Tình trạng tăng nóng đàn gia cầm là một trong những nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1.
Trên thực tế, dịch cúm H5N1 đã gây thiệt hại lớn ở Việt Nam. Xuất hiện từ năm 2003, Việt Nam là một trong những nước công bố dịch đầu tiên và bị thiệt hại nhiều nhất trên thế giới, với khoảng trên 45 triệu con gia cầm bị tiêu hủy trong giai đoạn 2003 – 2006. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, nước ta phải tiêu hủy hàng trăm nghìn con gia cầm. Đồng thời, từ năm 2004 – 2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 người chết vì cúm H5N1.
Chủ động phòng bệnh
Theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại Quảng Ninh. Thời điểm này, ổ dịch đã được kiểm soát kịp thời, đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh vào ngày 21/1. Bộ NN&PTNT cũng đã tiến hành lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, TP (với tổng số 3.966 mẫu gộp của 19.830 con gia cầm đã được xét nghiệm) cho kết quả, tỷ lệ dương tính với virus cúm A là 37,72%, trong đó có dương tính với virus cúm A/H5N1 là 1,19%, A/H5N6 là 1,82%.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thú y, trong điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay, đặc biệt là khi nước láng giềng Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm H5N1, thì nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát ở nước ta rất cao. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, ông Đông khuyến cáo, cần thực hiện phương châm “phòng bệnh là chính”. Theo đó, các địa phương phải tổ chức phòng bệnh tận gốc tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức người chăn nuôi, cần tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm trong quý I/2020; tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, TP để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh. Đến nay Bộ NN&PTNT đã xây dựng được 820 chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Đồng thời, Bộ đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP và Ban Chỉ đạo quốc gia 389 đề nghị tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm lậu vào Việt Nam.