Theo cảnh báo của VNPT, từ tháng 9/2013 trở lại đây, hàng loạt thuê bao cố định và di động của VNPT tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vũng Tàu, Trà Vinh, An Giang, Long An, Cần Thơ... bị kẻ xấu gọi đến quấy rối, lừa đảo, thậm chí uy hiếp nhằm trục lợi, chiếm đoạt từ người bị hại. Các số máy lạ gọi đến, sau đó thông qua hệ thống băng ghi âm tự động, "tự xưng" là VNPT và giả mạo thông báo nhắc nợ với số tiền rất lớn lên tới 8 triệu đồng. Sau khi thông báo, hệ thống "lạ" có hướng dẫn khách hàng nhấn phím số 9 để liên hệ. Nếu khách hàng nhấn số 9, ngay lập tức khách hàng được kết nối tới tổng đài bị tính cước phát sinh. Không chỉ mạo danh nhà mạng, các đối tượng còn giả mạo ngân hàng nhắc nợ vay lên tới hàng chục triệu đồng, giả mạo công an khuyến cáo gửi tiền từ ngân hàng sang tài khoản của chúng để được bảo vệ; thậm chí có trường hợp còn đe dọa đang giữ người thân (bắt cóc), ép mang tiền, vàng đến giao nộp... Mục tiêu của các đối tượng không đơn thuần chỉ câu thời gian đàm thoại giữa thuê bao tới các tổng đài lạ do chúng dẫn dụ mà còn có tính uy hiếp, lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tống tiền... Đây là một hình thức giả mạo thông báo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Tập đoàn VNPT. Để tránh rủi ro cho khách hàng, VNPT khẳng định không nhắc nợ tự động qua hộp thư ghi âm tự động nào, mà chỉ sử dụng thống nhất tổng đài 800126. Ở một số tỉnh, thành, thuê bao của VNPT có thể tham khảo thêm kênh thông tin khác riêng cho thuê bao trên địa bàn đó. Ví dụ, thuê bao Hà Nội gọi 38700700; thuê bao TP Hồ Chí Minh tra cứu cước trên Website. VNPT khuyến cáo, khi nhận được các cuộc gọi đến có dấu hiệu quấy rối, mạo danh nhà mạng hoặc công an, đe dọa, ép buộc… khách hàng không nên thực hiện các thao tác bấm số trên điện thoại theo yêu cầu để tránh bị lừa đảo. Có thể nói, việc lợi dụng mạng viễn thông, internet để lừa đảo đã và đang ngày càng bị các đối tượng tội phạm khai thác triệt để. Việt Nam là một thị trường béo bở bởi có lượng người sử dụng các mạng viễn thông lớn, đứng thứ hai trong khu vực về thời gian, sử dụng internet. Nếu doanh thu dịch vụ này năm 2004 mới chỉ 70 tỷ đồng, năm 2009 là 2.600 tỷ đồng thì năm 2013 con số này đã là 20.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh trong ứng dụng công nghệ thông tin là việc lộ ra những kễ hở để tội phạm trong nước và quốc tế khai thác. Từ việc khách hàng bị móc tiền trong "ví điện tử" đến việc lừa đảo qua điện thoại di động, internet, Facebook và hiện nay là lừa đảo thông qua điện thoại cố định. Vấn đề này đặt ra một yêu cầu đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực này là cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa hữu hiệu giúp khách hàng không bị rơi vào tình trạng mất tiền oan.