Cao điểm hay hình thức?

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc một lái xe sử dụng ma túy tại bến xe ở TP Hồ Chí Minh sau đó điều khiển ô tô vượt gần 1.000km ra đến Huế trong tinh thần kích động bị phát hiện hôm 29/7 đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.

CSGT dừng phương tiện kiểm tra trên tuyến QL1A. Ảnh: Ngọc Thi
Người dân có lý do để bức xúc bởi sự việc xảy ra đúng vào đợt cao điểm công an TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước ra quân xử lý tình trạng lái xe say rượu, sử dụng ma túy nhưng vi phạm vẫn lọt qua một chặng đường dài.
Trong sự việc trên, tài xế Trần Văn Mạo (SN 1987, trú tại tỉnh Nghệ An) điều khiển ô tô khách mang BKS: 51B-005.14 sau khi phê pha ma túy, bất chấp hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát giao thông đã đâm vào ô tô BKS: 75A-089.79 – vốn đang gặp sự cố. Rất may, vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, đáng nói là nếu chiếc xe ô tô BKS: 75A-089.79 không gặp sự cố, lực lượng chức năng địa phương không đến hiện trường để phân luồng thì liệu có phát hiện ra trường hợp vi phạm của tài xế Trần Văn Mạo? Và khi lái xe này không còn cầm nổi vô lăng, liệu hậu quả sẽ thảm khốc ra sao?
Sự việc này khiến cho dư luận nhớ ngay đến vụ việc một chiếc xe ô tô chở theo cây “quái thú” vi phạm về kích cỡ nhưng vẫn “lọt” qua nhiều trạm kiểm soát của các tỉnh, TP từ Đắk Lắk ra đến Thừa Thiên Huế mới bị phát hiện hồi đầu tháng 1/2019. Rõ ràng, những sự việc trên cho thấy còn kẽ hở trong kiểm tra, kiểm soát vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến đường ở nhiều địa phương hiện nay.
Tình trạng lái xe uống rượu bia, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện gây nên những hậu quả nghiêm trọng từng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Thậm chí, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an đến các tỉnh, TP cũng nhiều lần chỉ đạo phải xử lý nghiêm tình trạng này để trấn an dư luận cũng như lập lại trật tự ATGT. Bởi vậy, sự việc một tài xe sử dụng ma túy “lọt” qua các trạm kiểm soát của gần chục tỉnh, TP với quãng đường gần 1.000km xảy ra đúng vào đợt cao điểm ra quân xử lý lái xe say rượu, sử dụng ma túy dường như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin của người dân. Dư luận đặt câu hỏi, lực lượng chức năng khi ra quân thì rầm rộ, vậy hiệu quả kiểm tra, xử lý đến đâu?
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, chỉ trong 3 ngày đầu ra quân (15 – 18/7) tổng kiểm tra ô tô chở khách, ô tô vận tải container và xe mô tô, lực lượng CSGT cả nước đã kiểm tra hơn 614.000 phương tiện, phát hiện và xử phạt hơn 22.000 trường hợp vi phạm giao thông. Đáng chú ý đã phát hiện 863 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn và 17 trường hợp dương tính với chất ma túy. Thực ra, chuyện CSGT ra quân xử lý vi phạm ATGT không mới, được tổ chức hàng năm, thậm chí nhiều lần trong năm. Và qua mỗi đợt tổng kết ra quân đều thấy những con số rất đẹp: Số lượng người, phương tiện vi phạm và được xử lý tăng. Nhưng rồi sau đó, mọi chuyện lại trở về như cũ.
Khi bàn luận về chuyện ra quân xử lý vi phạm của lực lượng CSGT, trên một số diễn đàn có không ít ý kiến phản hồi: “Phong trào lấy thành tích, xong rồi thôi”, hay “Sau ra quân là đâu lại vào đấy thôi và lại ra quân”… Không thể phủ nhận vai trò của lực lượng CSGT trong mỗi đợt ra quân hay tuần tra kiểm soát ATGT, song những câu chuyện như trên thực sự là điều đáng suy ngẫm. Hơn lúc nào hết, người dân mong chờ lực lượng CSGT quyết liệt, nghiêm minh để ngăn chặn những hung thần trên các tuyến đường, đảm bảo an toàn, tính mạng cho người tham gia giao thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần