Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cao Dương, huyện Thanh Oai có thu nhập cao từ làm nghề mộc truyền thống. |
Đáng ghi nhận, để nâng cao đời sống người dân, thời gian qua, Cao Dương không ngừng khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi cho các làng nghề trên địa bàn phát triển như: Nghề nón lá truyền thống tại các thôn Mục Xá, Cao Xá, Thị Nguyên; nghề mộc cổ truyền tại thôn Áng Phao. Cùng với đó, xã đẩy mạnh phát triển nghề may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng. Chủ tịch UBND xã Cao Dương Trần Thế Anh cho biết, cùng với phát triển nghề truyền thống, xã hỗ trợ người dân tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành một số vùng chuyên canh như: Sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả có giá trị kinh tế. Nhờ đó, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của Cao Dương đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.Để tiếp tục hoàn thành xây dựng NTM nâng cao vào năm 2021, theo ông Trần Thế Anh, từ đầu năm đến nay, xã tập trung triển khai thực hiện 10 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó 6 dự án cơ bản hoàn thành gồm: Nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc của UBND xã; hệ thống đường, rãnh thoát nước dân sinh tại xóm Cầu Sang (thôn Thị Nguyên); cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa các thôn Đa Ngư, Mục Xá... Nhằm hỗ trợ người dân cải tạo nguồn nước sinh hoạt, bảo đảm vệ sinh môi trường, xã Cao Dương đang đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Thanh Oai giải ngân hơn 5,2 tỷ đồng cho 354 hộ gia đình trong xã vay vốn để xử lý bể lọc, bể chứa nước, công trình vệ sinh.Về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, Cao Dương tiếp tục xây dựng thêm mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng giá trị trên đơn vị canh tác. Đồng thời, tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống phát triển thông qua việc hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; đầu tư khoa học công nghệ vào phát triển nghề mộc, may mặc để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.