Họ không phạt Việt Nam số tiền lên đến cả triệu USD. Thậm chí, các quan chức OCA còn hoan nghênh Việt Nam rút sớm để có thêm thời gian chuẩn bị phương án thay thế. OCA đã đánh giá vấn đề một cách nhân văn và xây dựng. Họ thấu hiểu những gì đang diễn ra ở Việt Nam và không bao giờ muốn các nước đứng ra đăng cai ASIAD phải coi sự kiện trọng đại này là một gánh nặng. Ấy vậy mà lâu nay, một OCA thân thiện và thấu hiểu lại được hình dung như một tổ chức lạnh lùng. Người ta còn lấy tổ chức này ra để "đe" nếu như Việt Nam bỏ ASIAD, không những bị phạt số tiền lớn mà còn đánh mất uy tín với OCA. Thế nhưng, OCA đã thực sự lo và nghĩ đến quyền lợi của nước chủ nhà ASIAD. Đó cũng là cách họ bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ thương hiệu của ASIAD. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Vì nếu chỉ chạy theo những cái danh hão, nền kinh tế sẽ hứng chịu những hậu quả rất nặng nề. Đến đây người ta tự hỏi, phải chăng, đằng sau nỗ lực bảo vệ quyền đăng cai ASIAD, bất chấp những khó khăn mà nền kinh tế có thể gặp phải là những toan tính cá nhân? Ở một góc độ khác, việc thoái lui khỏi sự kiện mang tầm cỡ châu lục cho thấy hạn chế về tầm nhìn của những người làm thể thao nước nhà. Họ chỉ cố gắng giành lấy quyền đăng cai mà không hề nghĩ đến tính khả thi của công tác tổ chức. Thế mới nói, từ sự cao thượng của OCA, thể thao Việt Nam cần phải tìm lấy cho mình những bài học sâu sắc về chiến lược hoạt động.