Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố báo cáo hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Theo đó, sau khi điều chỉnh một số thông số đầu vào của phương án tài chính theo số liệu kiểm toán tại thời điểm 30/9/2016, thời gian hoàn vốn của dự án này đã rút lại giảm hơn 1 năm so với phương án tài chính điều chỉnh của dự án đang trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thẩm định.
Nguyên nhân của việc rút ngắn lại thời gian thu phí này đã được KTNN nêu rõ trong báo cáo. Cụ thể, theo kế hoạch ban đầu, dự án được khởi công vào tháng 9/2008 và hoàn thành vào tháng 4/2012. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án được khởi công sớm hơn vào ngày 19/5/2008 nhưng chỉ hoàn thành vào ngày 5/12/2015.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong tiến độ thực hiện hợp đồng, KTNN cho biết, tiến độ thực hiện nhiều gói thầu bị chậm so với tiến độ cam kết trong hợp đồng, dẫn đến phải gia hạn bổ sung thời gian thực hiện từ 0,7 tháng đến 45 tháng.
Theo cơ quan kiểm toán, trách nhiệm về những yếu kém trên thuộc VIDIFI, các đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương có dự án đi qua. Các nguyên nhân chậm tiến độ các gói thầu đã được VIDIFI, tư vấn giám sát, các nhà thầu xác định làm căn cứ ký kết phụ lục bổ sung gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.
Mặc dù phương án tài chính của dự án được lập năm 2008, nhưng đến năm 2014, do tổng mức đầu tư và một số chỉ tiêu làm cơ sở lập phương án tài chính thay đổi so với ban đầu nên VIDIFI đã lập phương án tài chính điều chỉnh, Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) đã thẩm tra, Bộ GTVT thẩm định.
Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, phương án tài chính được lập dựa trên cơ sở tính toán, dự báo. Một số nguồn thu, hỗ trợ thực tế chưa có, do đó chưa đủ cơ sở để bảo đảm khả năng hoàn vốn, phát huy hiệu quả.
Phương án tài chính xác định nợ gốc phải trả chưa chính xác theo giá trị thực tế được đối chiếu giữa VDB và VIDIFI. Thực tế nợ gốc tại thời điểm 31/12/2015 là 27.558 tỷ đồng nhưng phương án tài chính xác định là 32.123 tỷ đồng.
Phương án tài chính cũng chưa có ý kiến thẩm định của Bộ GTVT sau khi cập nhật, điều chỉnh một số chỉ tiêu như: Tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 45.487 tỷ đồng thành 44.818; chi phí hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư tăng 370 tỷ đồng; lãi vay VNĐ trong thời gian vận hành giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm từ 1/7/2016.
Sau khi điều chỉnh một số thông số đầu vào của phương án tài chính theo số liệu kiểm toán tại thời điểm 30/9/2016, thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 8 tháng 27 ngày (giảm 1 năm 3 tháng 3 ngày so với phương án tài chính điều chỉnh của dự án đang trình Bộ GTVT thẩm định).
Cụ thể, KTNN đã giảm chi phí vốn đầu tư thực hiện 34 tỷ đồng, giảm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và tăng chi phí lãi vay trong thời gian vận hành khai thác 187 tỷ đồng theo kết quả kiểm toán, làm giảm thời gian thu phí hoàn vốn 1 tháng 18 ngày.
Cùng với đó, KTNN đã xác định lại nợ gốc phải trả theo số liệu thực tế trên sổ kế toán của VIDIFI tại thời điểm 31/12/2015 làm giảm thời gian thu phí hoàn vốn 1 năm 1 tháng 15 ngày.
Cũng trong báo cáo, KTNN kiến nghị, trên cơ sở chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền, VIDIFI tổ chức lập, thẩm định phê duyệt lại dự toán các gói thầu phù hợp với kết quả kiểm toán và xử lý theo quy định tại điều 9 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ. Tiếp tục đôn đốc các địa phương khẩn trương quyết toán tiểu dự án giải phóng mặt bằng làm cơ sở tổng hợp quyết toán dự án.
Bộ Tài chính chủ trì phối họp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 8407/VPCP-QHQT ngày 25/10/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc tái cơ cấu lại vốn của dự án này.
Theo đó, bố trí nguồn vốn Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, táỉ định cư cho Dự án theo đúng quy định (trong phương án tài chính đang tính toán là 4.070 tỷ đồng trong 5 năm từ năm 2016 đến năm 2020); khoản tiền Nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án (khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc); xem xét hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ đối với khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng tái thiết Đức.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDIFI cho biết, tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã đi vào vận hành, khai thác được 1 năm, lưu lượng xe tham gia trên tuyến bình quân 30.000-40.000lượt xe/ngày, đêm, chiếm 60% tổng lưu lượng trên tuyến đường bộ Hà Nội-Hải Phòng. Hiện nay doanh thu một ngày của tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là 5,5 tỷ đồng, trong khi chi phí trả lãi ngân hàng của dự án một ngày là 7 tỷ đồng.
Về nguyên nhân chậm trễ của dự án đã được KTNN nêu ra, ông Đào Văn Chiến thừa nhận: “Do thời điểm tính toán không chính xác, bản thân đội ngũ cán bộ của Tổng Công ty cũng không lành nghề. Hơn nữa, lúc nhận dự án, theo tính toán năm 2008 khởi công và năm 2014 hoàn thành bao gồm cả giải phóng mặt bằng, nhưng quá trình triển khai thực tế lại không như vậy. Riêng giải phóng mặt bằng mất 3 năm, dự án nằm trên vùng đất yếu đòi hỏi quá trình gia tải 18 tháng, bản thiết kế của Bộ GTVT cũng chỉ lấy được hướng tuyến, còn lại thiết kế mới toàn bộ mất thêm 18 tháng".
Lý giải thêm về các con số chênh lệch trong phương án tài chính, ông Chiến cho biết, ban đầu, dự án thống nhất trong giai đoạn năm 2014-2015 giải ngân 32.000 tỉ đồng, nhưng đến hết năm 2015 chỉ giải ngân 27.000 tỉ đồng nên khi giải ngân chậm đã phát sinh lãi, làm đội chi phí.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, thời gian thu phí của tất cả các đường cao tốc, không riêng gì cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đều được thẩm định lại sau từng năm dựa trên lưu lượng xe qua lại, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm tại Quyết định 1621 năm 2007. Chủ đầu tư của dự án là VIDIFI.
Tổng chiều dài tuyến đường 105,5 km, đi qua thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng. Đường ô tô cao tốc loại A gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Diện tích sử dụng đất cho tuyến đường cao tốc này vào khoảng 1.400 ha.