Cụ thể, xuất cấp cho tỉnh Kiên Giang 30 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% và 20 tấn hóa chất Chlorine 65% min; tỉnh Nghệ An 20 tấn hóa chất Chlorine 65% min; tỉnh Hà Tĩnh 50 tấn hóa chất Chlorine 65% min. Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kiên Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hoá chất nêu trên theo đúng quy định hiện hành.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, các đơn vị chức năng của tỉnh đã phối hợp với địa phương khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật để khắc phục hơn 13.429 ha tôm nuôi đã bị thiệt hại do nắng hạn kéo dài, nồng độ mặn trong ao đầm quá cao và dịch bệnh phát sinh gây hại thời gian qua. Ngoài việc tập trung chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn tôm nuôi đang trong giai đoạn phát triển để thu hoạch thì chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, đảm bảo an toàn cho việc thả giống đợt mới khi thời tiết thuận lợi, môi trường, nguồn nước ổn định. Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 11/4 - 20/5 xảy ra hiện tượng tôm, cua nuôi chết với phạm vi ảnh hưởng khoảng 328,16 ha, trong đó có 304,16 ha tôm nuôi, tôm nuôi xen cua có tôm chết do dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính (chủ yếu ở huyện Kỳ Anh chiếm 39,7% và TX Kỳ Anh chiếm 58% tổng diện tích bị bệnh toàn tỉnh); có 24 ha cua nuôi bị chết đang chờ kết quả xét nghiệm. Ngay từ trước vụ nuôi và khi dịch bệnh tôm xảy ra, UBND tỉnh, ngành chuyên môn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, cảnh báo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, kịp thời trích ngân sách tỉnh mua hóa chất xử lý, khử trùng các vùng bị dịch bệnh.