Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp bách giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua, 30/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; kế hoạch năm 2013. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là vấn đề giải quyết nợ xấu và hàng tồn kho để cứu doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất…

 
Giải quyết nợ xấu gắn với giải phóng hàng tồn kho

Đánh giá tổng quát mục tiêu tăng GDP 5,5%, giữ lạm phát khoảng 8% đề ra cho năm 2013 là khả thi, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị phải xây dựng bằng được một lộ trình tái cơ cấu trong vòng 3 năm (2012 - 2015). Cho rằng, hàng tồn kho và nợ xấu là điểm nghẽn lớn của nền kinh tế hiện nay, ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) đề nghị, NHNN phải công bố rõ ràng hiện nay nợ xấu là bao nhiêu, tập trung vào lĩnh vực nào. Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu NH, xử lý thanh khoản cho NH yếu kém để tránh mất niềm tin với hệ thống NH. Ngoài ra, cần thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu. Theo ĐB Trần Du Lịch, "vòng kim cô" nợ xấu đang có dấu hiệu ngày một siết chặt, làm chết không biết bao nhiêu doanh nghiệp. Đây là nút thắt quan trọng, cần sớm được giải quyết. 

Cấp bách giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến.Ảnh: Minh Điền

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, không nên hiểu việc xử lý nợ xấu hiện nay đơn thuần là mua bán nợ. Mặc dù ủng hộ chủ trương của Chính phủ không dùng ngân sách để xử lý nợ, nhưng ĐB Huỳnh Ngọc Đáng đề nghị NHNN, với vai trò quản lý của mình, cần "năng động" để hoàn thành tốt nhiệm vụ nêu trên. "Có thể sử dụng các quỹ dự phòng của NH, hoặc chào bán nợ cho các tổ chức tài chính quốc tế" - ĐB Huỳnh Ngọc Đáng gợi ý.Song song với các biện pháp giảm nợ xấu, các ĐB cũng quan tâm đến tình trạng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp. Theo các ĐB, tồn kho hàng hóa càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu. Các ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 13 đến hết năm sau. Đồng thời, nếu được Quốc hội thông qua ở kỳ họp này, ĐB đề xuất nên áp dụng ngay Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, với mức giảm trừ gia cảnh mới từ 1/1/2013, thay vì phải đến giữa năm 2013 mới thực hiện để kích thích sức mua. Đồng thời, các nhà băng "khỏe" cũng cần mạnh dạn hơn nữa trong việc cho vay tiêu dùng, đặc biệt quan tâm tới việc làm ấm thị trường bất động sản, vốn đang còn tồn kho gần 100.000 căn hộ..

Cần giám sát việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu

Theo các ĐB, thời gian qua, dư luận nhân dân chưa thực sự đồng tình với việc giá xăng, giá vàng thế giới và trong nước chưa cùng nhịp. Đặc biệt, giá vàng đang trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội do công tác quản lý còn nhiều bất cập, độc quyền, cơ chế điều hành chưa linh hoạt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) bức xúc: Giá xăng tăng nhanh, giảm chậm, chất lượng xăng dầu kém, đại lý kêu lỗ, quản lý ngày càng lúng túng, ngân sách Nhà nước thất thu... ĐB Lê Thị Nga đề nghị ban hành Luật hoặc Pháp lệnh về kinh doanh xăng dầu, bởi thực tế hiện cả nước có 12 doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu nhưng Petrolimex chiếm 60% thị phần. Ngoài ra, cũng cần giám sát việc tạm nhập, tái xuất xăng bởi đây là hành vi tiếp tay cho buôn lậu, tiếp tay cho DN lũng đoạn thị trường.

Giải thích thêm với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang đáp ứng khoảng 30% nhu cầu trong nước. Như vậy, thị phần của đơn vị lo đầu ra cho nhà máy là PV Oil sẽ tương đương con số này. Còn với thị phần khoảng 60% của Petrolimex, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng đây là do vấn đề lịch sử. "Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là Nhà nước không hạn chế việc các DN khác tham gia vào thị trường" - ông Vũ Huy Hoàng nói. Về tạm nhập tái xuất, thời gian qua, cũng xuất hiện nhiều vấn đề, trong đó có buôn lậu. Do đó, Bộ Công Thương và Tài chính đã thống nhất, hiện chỉ còn cho tạm nhập - tái xuất mặt hàng này phục vụ đối ngoại, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các phương tiện nước ngoài cần mua nhiên liệu khi tới Việt Nam.

Làm rõ trách nhiệm về an toàn thực phẩm

Liên quan tới các vấn đề xã hội, các ĐB tập trung vào việc xóa đói, giảm nghèo cho đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc; tình trạng tội phạm gia tăng ở các đô thị lớn và đề nghị Chính phủ cần tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến Luật Bảo hiểm y tế, giá thuốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… ĐB Huỳnh Ngọc Đáng đặt câu hỏi: Thực phẩm nhiều hóa chất độc hại tích tụ lâu dài sẽ làm suy yếu nòi giống Việt, trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về ai? ĐB kiến nghị Chính phủ quy định rõ trách nhiệm trong vấn đề này, đồng thời kêu gọi tẩy chay các hàng hóa độc hại kể cả hàng Việt Nam để giúp người dân tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Các ĐB Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang); Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong trách nhiệm giữ gìn, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.Tiếp thu những ý kiến tâm huyết của ĐB, nhất là những vấn đề cấp thiết về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, đây cũng là những vấn đề Bộ đang cùng với Chính phủ nỗ lực giải quyết. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ liên ngành tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy lùi nạn buôn bán hàng giá, hàng lậu, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn phải được xử phạt thật nghiêm.

Theo chương trình, sáng nay (31/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013.
 
ĐB La Ngọc Thoáng (đoàn Cao Bằng): Chính sách quản lý thị trường vàng thất bại

Diễn biến thị trường vàng trong nước vừa qua khiến chúng ta không khỏi lo ngại vì các chính sách không đạt được như mong muốn, nếu không nói là thất bại. Thị trường vàng không ổn định, giá cả lên xuống thất thường, giá vàng trong nước không được liên thông với thị trường vàng quốc tế, luôn cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng. Việc chọn thương hiệu SJC độc quyền đã tạo ra khoảng cách giữa vàng miếng SJC với các thương hiệu vàng miếng khác. Khi người dân sở hữu vàng miếng có chất lượng giống nhau nhưng thương hiệu khác nhau, và chỉ một quyết định của Nhà nước, họ sẽ mất đi một số tiền không nhỏ.