Nguy cơ cao
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào TP rất cao bởi Hà Nội giáp với 8 tỉnh, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào. Vì vậy, công tác quản lý dịch bệnh động vật và kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Ngay sau khi có thông tin dịch bùng phát tại một số nước trên thế giới vào cuối năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo ngành thú y, các quận, huyện, thị xã rốt ráo thực hiện các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhiễm vào đàn lợn trên địa bàn TP.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ nguy hại của dịch tả lợn châu Phi và cách phòng tránh tới người dân, ngành nông nghiệp TP còn tổ chức phun tiêu độc khử trùng, tổng tẩy uế môi trường tại tất cả các quận, huyện, thị xã. Đồng thời tiến hành tiêm phòng vaccine nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, tránh tình trạng bệnh kế phát.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, do dịch tả lợn châu Phi là bệnh nguy hiểm, chưa có vaccine tiêm phòng và tỷ lệ chết lên tới 100% nên việc phòng chống dịch là quan trọng nhất.
"Biểu hiện rõ nhất của dịch tả lợn châu Phi là lợn sốt cao, trên 40 – 420C; chết ở nhiều loại lợn và không chết ồ ạt. Đây là loại bệnh không có khái niệm chữa trị nên khi mắc bệnh, biện pháp duy nhất là tiêu hủy." - Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) |
Hiện đang chăn nuôi hơn 10 lợn nái và 100 lợn thịt, anh Nguyễn Văn Thắng, xã Vạn Phúc, Thanh Trì đang tập trung cao độ đề cao cảnh giác với dịch. “Ngay sau khi nghe thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhiễm vào Việt Nam, gia đình tôi đã thực hiện phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, bởi chỉ cần sơ sẩy, để lọt một sản phẩm có mang mầm bệnh dịch tả vào trang trại thì hậu quả sẽ khôn lường” – anh Thắng cho hay.
Kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ mọi khâu
Thực tế từ đợt dịch lở mồm long móng vừa qua, nhiều địa phương đã làm rất tốt, song bên cạnh đó vẫn có một số nơi chưa quan tâm bám sát địa bàn, phát hiện dịch kịp thời cũng như chưa tập trung tuyên truyền về các chính sách phát triển chăn nuôi, chính sách hỗ trợ thiệt hại của TP. Vì vậy, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng người chăn nuôi khi bị gia súc gia cầm mắc bệnh đã giấu dịch, không khai báo, gây khó khăn cho chính quyền địa phương, làm lây lan, phát tán mầm bệnh.
Ở tình thế cấp bách như hiện nay, tuy trên địa bàn Hà Nội chưa phát hiện nhưng dịch tả lợn châu Phi có thể xâm nhiễm vào địa bàn TP bất cứ lúc nào. Do đó, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, ngành để chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ chuyên ngành để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Về chuyên môn, ngành thú y đã chỉ đạo mạng lưới thú y các quận huyện, các xã, phường, thị trấn với lực lượng 2.353 thú y thôn bản, 584 trường thú y xã phường tham mưu cho chính quyền địa phương, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn ngay từ cơ sở. Đặc biệt, kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào TP, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật và đội kiểm dịch lưu động.
Chi cục Thú y Hà Nội đề nghị các đơn vị tập trung giám sát chặt chẽ dịch bệnh; duy trì nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày theo đường dây nóng phòng, chống dịch bệnh của TP (04.33800115). Đồng thời tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, dự tính, dự báo dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chẩn đoán dịch bệnh khi nghi ngờ có ổ dịch. Giải trình tự thành công gen của virus gây dịch tả lợn châu Phi Kết quả nghiên cứu bước đầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam mới đây đã phát hiện, chẩn đoán được mẫu lợn dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi trên ổ dịch tại Hưng Yên và Thái Bình bằng phương pháp PCR và Realtime PCR. Kết quả giải trình tự gen P54 và P72 cho thấy tương đồng về nucleotide và axit amin của hai gen này với chủng virus dịch tả lợn châu Phi đang lưu hành tại Trung Quốc là 100%. (Trọng Tùng) |