Cấp GCN quyền sử dụng đất: Sở TN&MT phải là “nhạc trưởng”

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn tại buổi làm việc của đoàn giám sát tại Sở TN&MT chiều 16/3.

“Liệt kê” khó khăn…

Tại buổi làm việc, đại diện Sở TN&MT cho biết dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn không ít tồn tại trong cấp GCN cho hộ cá nhân. Nguyên nhân dẫn đến tồn tại là do: Cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của TP chưa hoàn thiện, nhiều nơi không có đầy đủ hồ sơ địa chính. Toàn TP chỉ có 3 huyện và 17 phường có đầy đủ bản đồ địa chính; nhiều bản đồ chưa cập nhật hết thông tin. Cơ chế chính sách còn bất cập như: Việc xác định hạn mức đất ở với các trường hợp đất cha ông để lại (không có giấy tờ), chưa được người dân đồng tình. Đất giao đất không đúng thẩm quyền, nhiều DA đã có quyết định thu hồi đất nhưng đã nhiều năm chưa thực hiện được…Việc vận dụng các chính sách còn chậm và chậm đi vào cuộc sống…

Với mục tiêu đến 30/4 phải hoàn thành việc kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Cấp GCN với các trường hợp đủ điều kiện phải xong trước 30/6. Sở TN &MT đã “liệt kê” một số khó khăn vướng mắc và kiến nghị TP sửa đổi bổ sung một số chính sách như: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Cho phép tiếp tục thực hiện “Dự án Xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP Hà Nội” để có bản đồ, tài liệu phục vụ công tác kê khai, đăng ký, cấp GCN và quản lý đất đai.

Đối với các khu tập thể cũ chưa bàn giao cho địa phương, UBND TP nên giao Sở Xây Dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, phân loại để thực hiện theo Nghị định số 99 năm 2015 của TP và các quy định hiện hành.

Đề nghị UBND TP giao Sở QHKT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành rà soát làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Tách ranh giới DA đối với trường hợp có quyết định thu hồi đất nhưng nhiều năm chưa thực hiện hoặc không có khả năng GPMB.

 Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Sở TN&MT.

Trên cơ sở quy hoạch đã được điều chỉnh, Sở TN&MT chủ trì, tổng hợp, trình UBND TP điều chỉnh hoặc hủy quyết định thu hồi đất, xét cấp GCN cho các hộ đang sử dụng đất.

Trường hợp đất tại các bản án (Tòa tuyên) thu hồi trước 1/7/2014 (luật Đất đai có hiệu lực), nhưng đến nay chưa thi hành án, hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, khiếu kiện. Giao Sở Tư Pháp chủ trì rà soát, báo cáo Tòa án từng trường hợp cụ thể để có ý kiến giải quyết cụ thể.

Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thông báo yêu cầu kê khai đăng ký đất đai đến từng hộ gia đình. Lập hồ sơ quản lý đối với trường hợp không đủ điều kiện cấp GCN. Tổ chức thanh tra, xử phạt đối với các trường hợp không kê khai đăng ký theo quy định.

“Truy” nhiều…

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân – Trưởng ban Đô thị HĐND TP cho rằng: Qua giám sát thực tiễn, nhiều quận huyện tiến độ đăng ký đất đai còn chậm. Nếu không chỉ đạo quyết liệt, thời điểm 30/4 khó hoàn thành. Vì vậy, Sở TN&MT phải đánh giá rõ nguyên nhân, tìm giải pháp để đẩy mạnh kê khai đăng ký.

Hiện nay, việc rà soát phân loại các thửa đất có vướng mắc chưa thật chính xác. Ở các huyện không thống nhất khái niệm ô thửa nên rất khó trong đánh giá. Sở TN&MT cần chỉ đạo để đảm bảo phân loại chính xác. Qua thực tế, công tác bàn giao nhà đất chưa hiệu quả.

 Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Đại biểu Nguyễn Hoài Nam – Trưởng Ban Pháp chế: Với những tồn tại đã nêu, các ngành cần mổ xẻ trách nhiệm để làm rõ đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là khách quan. Cần bổ sung số liệu để tổng hợp đối với các DA đã hình thành khu dân cư, tổ dân phố. Phân loại tìm ra nguyên nhân (chưa cấp được GCN cho các DA trên) là gì. Từ đó mới đề ra giải pháp và chỉ rõ trách nhiệm nào của TP, của các Bộ để tháo gỡ khó khăn. Phân loại cả những loại vướng mắc, xem những trường hợp nào bất khả kháng, những trường hợp nào có thể tháo gỡ thì cần tháo gỡ để cấp GCN tới mức tối đa.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đã đặt ra cho Sở TN&MT hàng loạt câu hỏi như: Với các hộ làm nhà trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm có trường hợp đã được cấp hộ khẩu, nhưng chưa được cấp GCN. Đất khu dân cư không phù hợp quy hoạch là bao nhiêu, Sở TN&MT và QHKT nên liên thông để giải quyết các trường hợp cụ thể. Hiện nay các khu chung cư cơi nới, diễn ra nhiều, hệ lụy là không đủ điều kiện cấp GCN. Vậy giải quyết tình trạng này thế nào? 

Trường hợp các khu nhà tập thể của cơ quan T.Ư, nhiều người dân không kê khai, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức nên có sự liên thông để có cơ chế xử lý các trường hợp cố tình không thực hiện nghĩa vụ kê khai.       

Trong khi đó, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy đặt câu hỏi: Hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai vướng chỗ nào kiến nghị TP tháo gỡ ngay. Ngoài phục vụ cho cấp GCN, cũng phục vụ cho công tác quản lý đất đai sau này….

Trả lời thỏa đáng

Trả lời câu hỏi các đại biểu thuộc lĩnh vực phụ trách, ông Nguyễn Thế Công - PGĐ Sở QHKT cho rằng: Vướng ở các quận huyện là các DA có quyết định thu hồi đất, nhưng do nhiều yếu tố không triển khai được. Như dự án công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) có quyết định thu hồi đất từ năm 2000. Để tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp này, phải đề nghị UBND TP điều chỉnh dự án, nhưng việc điều chỉnh DA lại thuộc thẩm quyền của Sở KH&ĐT!

“Thời gian tới chúng tôi sẽ cùng nhau phối hợp để giải quyết hơn 12.000 trường hợp theo thống kê là vướng quy hoạch, DA chưa triển khai” ông Công nói.

  Các đại biểu HĐND nghe đại diện Sở, ngành trả lời câu hỏi.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở TN &MT: Cấp GCN là nhu cầu, nhưng kê khai đăng ký là bắt buộc. Đặc biệt thời gian trước đây, chúng tôi đã có hướng dẫn rất cụ thể về biểu mẫu để các quận huyện hướng dẫn người dân đăng ký. Tuy nhiên,việc tổ chức thực hiện kê khai còn yếu tố tâm lý của người dân. Về các giải pháp tổ chức thực hiện đăng ký, Sở đã làm tròn trách nhiệm chuyên môn. Còn để vào cuộc có hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các quận, huyện và cơ quan truyền thông.

Vẫn theo ông Nghĩa, sở dĩ có sự “vênh” về số liệu cấp GCN trong báo cáo là do trước đây các quận, huyện tính cả nhà ở DA. Nhưng trên thực tế, số liệu cũng có sự biến động liên tục do người dân liên tục chia tách, hợp thửa. Với nhà tái định cư, Sở coi đây là đối tượng số 1 trong cấp GCN. "Sở đã thống kế 173 tòa nhà tái định cư (15.000 căn hộ cần cấp GCN), đã cấp 10.000, hiện chúng tôi đang tiếp tục có kế hoạch thực hiện".

Đối với những khu tập thể không còn đầu mối quản lý. Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng: Trước đây bán nhà là tài sản trên đất. Nay người dân đã phá dỡ, làm mới nên đề nghị cho phép quận huyện cấp luôn GCN trên phần diện tích đất đã cấp cho người dân.

Bản chất bán nhà theo Nghị định 61 chỉ là “bán nhà” chứ không phải bán đất nên phân cấp cho các quận huyện (cấp GCN) và quản lý vì đây là nguồn thu ngân sách rất lớn của TP.

 Phó Chủ tịch thường trực HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận buổi làm việc giữa đoàn giám sát

tại sở TN&MT chiều 16/3.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận sự tích cực của các Sở, ngành. Kết quả như trong báo cáo của Sở TN&MT là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm tốt hơn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các ngành cần rà soát quy trình cấp GCN, để đẩy nhanh tiến độ. Đối với những trường hợp vướng mắc khó khăn, cần phân loại cụ thể các nhóm vấn đề như: Trường hợp đủ điều kiện, nhưng chưa đủ hồ sơ, trường hợp không phù hợp quy hoạch, có tranh chấp… đều phải đề xuất các giải pháp xử lý.

“Những vướng mắc thuộc thẩm quyền của mình, Sở TN&MT cần hướng dẫn quận, huyện xử lý ngay. Đối với vướng mắc thuộc thẩm quyền TP thì tổng hợp báo cáo. Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cần đảm bảo quy định, nhưng phải có lộ trình. Đối với những trường hợp còn lại, đề nghị Sở hướng dẫn các địa phương xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm. Tinh thần là phải tập trung tháo gỡ, đảm bảo quy định. Việc phối hợp giữa các sở ngành phải làm tốt hơn. Sở TN&MT phải là “nhạc trưởng”, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.                                          

 

 

 

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần