Những câu hỏi dồn dập của phóng viên trong gần 2 tiếng tại 1 cuộc họp báo vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tất cả đều xoay quanh vấn đề cấp phép ca khúc hiện nay.
Không phép, ca khúc vẫn lưu hành
Căn cứ vào trang web của Cục NTBD, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có 75 tác phẩm được phổ biến. Tuy nhiên, theo ủy thác của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam, hiện tại có 289 ca khúc của nhạc sĩ được kê khai tại thời điểm ủy thác. Hoặc trường hợp nhạc sĩ Văn Cao, có 7 tác phẩm được phép phổ biến, nhưng đăng ký tác quyền cũng không dưới 100 tác phẩm. Như vậy, hơn 200 tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn Cao… dù không được phép lưu hành vẫn được hát khắp nơi với mật độ dày đặc. Bằng chứng là Trịnh Công Sơn luôn là người đứng đầu danh sách nhạc sĩ có doanh thu tác quyền cao nhất tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam . Chính vì vậy, khi thông tin nhiều ca khúc của ông chưa cấp phép lưu hành, trong đó có: “Huế - Sài Gòn – Hà Nội”, “Ca dao mẹ”, “Đêm thấy ta là thác đổ”… không ít người bức xúc.
Đặc biệt, ca khúc “Nối vòng tay lớn" được hát ở hàng vạn chương trình. Ngay cả những chương trình lớn như Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chương trình Đại lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, chương trình gặp mặt Tổng thống Mỹ Obama cũng đều có ca khúc này. Trong chương trình gần đây nhất mang tên “Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người” tại Đà Lạt ngày 8/4, sở VHTT&DL Lâm Đồng vẫn cấp phép cho chúng tôi hát ca khúc "Nối vòng tay lớn”. Cả 4 ngàn người tham dự đêm nhạc đều hát cùng, đâu ai biết và nghĩ ca khúc chưa được cấp phép” – bà Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết.
Để không còn là “Cục nóng”
Mấy ngày gần đây, dư luận và giới làm nghệ thuật thường đùa nhau gọi Cục NTBD là “Cục nóng” bởi liên tục để xảy ra các vấn đề làm "nóng" dư luận. Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý I/2017 của Bộ VHTT&DL diễn ra ngày 12/4, nếu như các ngành du lịch, di sản, gia đình… nhàn hạ vì không nhận được câu hỏi từ phóng viên; thì 2 Phó Cục trưởng Cục NTBD bị "chất vấn" tới 90% thời gian cuộc họp. Phải chăng những vấn đề quản lý của Cục NTBD ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, hay cách thức quản lý có vấn đề nên dư luận bức xúc?
Bằng chứng là thủ tục cấp phép ca khúc hiện nay còn rất rườm rà. “Mỗi lần chuẩn bị làm thủ tục cấp phép ca khúc cho anh Sơn, gia đình chúng tôi phải chuẩn bị hàng tháng trời. Mỗi lần làm như thế thì chúng tôi phải làm đơn, phải nộp bản nhạc gốc viết nhạc và lời của ca khúc, phải nộp đĩa nhạc demo ca khúc. Vì quá phức tạp nên gia đình quyết định từ giờ sẽ không làm thủ tục xin cấp phép ca khúc nữa. Anh Sơn khi mất để lại hơn 600 ca khúc, hiện nay có hơn 200 ca khúc đã từng được phổ biến. Số còn lại gia đình chúng tôi quyết định để tổ chức đơn vị nào thay mặt gia đình làm thì chúng tôi hỗ trợ” – bà Trịnh Vĩnh Trinh nhấn mạnh.
Đó là chưa kể, danh mục công bố những ca khúc được phép phổ biến của Cục đang trục trặc, nhầm lẫn bài hát và tác giả, khiến các cơ quan quản lý cấp phép chương trình ở các sở như lạc trong ma trận. Ông Nguyễn Văn Trực – Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật, Sở VH&TT Hà Nội cho biết: “Danh mục các bài hát được cấp phép trên trang web của Cục và Bộ chỉ là một trong những cơ sở để chúng tôi căn cứ khi xem xét cấp phép. Bởi vì có rất nhiều bài hát đơn vị tổ chức đưa lên xin phép tổ chức biểu diễn, nhưng không có trong danh mục, trong khi đã được công nhận biểu diễn ở nhiều chương trình trước đó”. Và để giải quyết nhanh chóng cho các đơn vị, phòng Quản lý Nghệ thuật còn căn cứ vào cả những băng đĩa, chương trình được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, có xuất hiện bài hát mà đơn vị biểu diễn yêu cầu. Phó Cục trưởng Cục NTBD Lê Minh Tuấn thừa nhận dung lượng website của Cục còn thấp chưa cập nhật đầy đủ, người cập nhật không có chuyên môn âm nhạc nên để xảy ra nhầm lẫn tác phẩm của Văn Cao là của nhạc sĩ Văn Chung… Khi cơ quan quản lý làm sai thì mong muốn người dân châm chước; ngược lại khi người dân làm chưa đúng thì khó được cơ quan quản lý chấp nhận.
Không chỉ đề xuất sửa đổi Nghị định 15/2016/NĐ - CP chỉnh sửa bổ sung một số điều của Nghị định 79/2013/NĐ - CP, các nhạc sĩ bày tỏ trước khi những yêu cầu về cấp phép còn rườm rà được sửa đổi, Bộ VHTT&DL, nên thay đổi cách tiếp nhận cấp phép. Bà Trịnh Vĩnh Trinh nhấn mạnh đối với những ca khúc đã được cấp phép nên giảm thủ tục xin phép biểu diễn ca khúc cho các chương trình sau đó. Trong chương trình sẽ hát 25 ca khúc, trong đó 20 ca khúc đã từng hát ở những chương trình khác thì không cần xin phép, 5 ca khúc mới đưa vào thì mới phải làm thủ tục xin. Nếu giảm được những thủ tục hành chính rườm rà, chắc chắn Cục NTBD sẽ không phải mang tên “Cục nóng”.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa có công văn gửi Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật kiến nghị về việc 5 ca khúc ra đời trước 1975 đang bị cấm lưu hành, phổ biến. Bên cạnh khẳng định nội dung các bài hát này không có vấn đề gì, các nhạc sĩ cho rằng, đơn vị có thẩm quyền cấp phép nên phối hợp với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt |