Cấp phép dự án nhà ở thương mại: Thủ tục rườm rà làm khó doanh nghiệp

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều trình tự, thủ tục, một số quy định tại các văn bản luật không thống nhất, quy trình xử lý lặp lại hoặc bị bỏ qua tại các cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến xung đột, chồng chéo là những bất cập trong quy trình cấp phép đối với dự án nhà ở thương mại.

Vẫn nhiều bất cập
Giám đốc Công ty BĐS DUCKHUE Land Vũ Đức Khuê cho biết, mặc dù đã có sửa đổi, bổ sung so với trước đây (sửa đổi so với Luật Nhà ở 2005 và Luật Xây dựng 2003 - PV) nhưng Luật Nhà ở và Luật Xây dựng năm 2014 được áp dụng vào các dự án nhà ở thương mại đang vướng rất nhiều bất cập. Từ xin chủ trương đầu tư cho đến khi triển khai xây dựng phải mất ít nhất 3 năm, bình thường từ 5 - 10 năm mới có thể làm xong các quy trình, thủ tục mà cơ quan chức năng yêu cầu.
 Thủ tục cấp phép dự án nhà ở thương mại nhiều phức tạp. Ảnh: Doãn Thành
Đơn cử, với khâu cấp Giấy phép xây dựng, trước hết phải lập thiết kế cơ sở, thiết kế thi công. Nhưng trong đó lại có rất nhiều quy trình, giấy phép nhỏ khác như duyệt chiều cao; duyệt đấu nối hạ tầng; duyệt phòng cháy chữa cháy; chứng chỉ năng lực của tổ chức; quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn; quy định về vận hành chiếu sáng...
“Đây là những thủ tục buộc phải có trong quy trình thẩm định cấp phép dự án và mỗi một quy trình phải mất từ 1 - 2 năm. Cứ mỗi năm kéo dài như vậy, DN phải thêm rất nhiều chi phí, từ lãi suất ngân hàng cho đến chi phí vận hành, kéo theo khi sản phẩm được đưa ra thị trường thì mỗi năm cũng phải tăng lên từ 5 - 10%” - ông Khuê cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, thủ tục hành chính kéo dài dẫn đến việc nhiều dự án bị dừng triển khai, khiến cho nguồn cung mới trên thị trường bị ảnh hưởng. Từ đầu năm 2019 đến nay, các sản phẩm BĐS liên tục ghi nhận có sự tăng trưởng về giá, đặc biệt là tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Nếu như tại Hà Nội giá bán được ghi nhận tăng bình quân khoảng 0,5%/quý, thì tại TP Hồ Chí Minh giá bán được ghi nhận tăng cao hơn, bình quân từ 3 - 5% mỗi quý” - ông Đính nói.
Văn bản luật phải thống nhất
Luật sư Nguyễn Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, Luật Nhà ở và Luật Xây dựng 2014 tiếp tục kế thừa và có sửa đổi so với Luật Nhà ở 2005 và Luật Xây dựng 2003. “Nhưng nhiều dự án theo thủ tục Luật Đầu tư 2014 có nội dung là dự án nhà ở nhưng lại không có phần căn cứ vào Luật Nhà ở 2014.
Các dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương theo đúng thủ tục của Luật Đầu tư 2014 còn phải áp dụng thêm nhiều quy định pháp luật xây dựng, như Nghị định 59/2015/NĐ-CP, Nghị định 42/2017/NĐ-CP và phải áp dụng nội dung quy định tại Điều 11, Luật Nhà ở” - ông Phượng cho hay.
Luật sư Trần Cao Ngãi - Hội Luật gia Việt Nam cũng cho biết, có sự chồng chéo về phân cấp thực hiện. Chẳng hạn, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP quy định công trình từ 20 tầng trở lên phải trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP sửa đổi lại quy định từ 25 tầng mới phải trình Bộ Xây dựng nhưng giới hạn về chiều cao phải không quá 75m nên nếu 20 tầng mà cao 76m vẫn phải qua Bộ Xây dựng thẩm định.
“Vì vậy, cần phải có sự thống nhất trong các văn bản pháp luật, rất mong đợi ở lần sửa đổi, bổ sung một số Luật của Quốc hội tới đây sẽ bãi bỏ và sửa đổi một số quy định đang gây cản trở quá trình phát triển của các DN trong thời gian qua” - Luật sư Ngãi cho hay.

"Thủ tục hành chính rườm rà là rào cản lớn trong quá trình phát triển của DN, làm gia tăng chi phí đầu tư và mất đi cơ hội đầu tư vào thời điểm thuận lợi dẫn đến việc các sản phẩm của DN mất đi tính cạnh tranh." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam