Hàng vạn vi phạmTừ ngày 24/7, Hà Nội bước vào giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất trong suốt cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Một trong những biện pháp tối quan trọng là giãn cách xã hội, yêu cầu người dân không ra đường, không tập trung đông người khi không thực sự cần thiết. Để đảm bảo giãn cách xã hội hiệu quả, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 17/CT - UBND, trong đó có quy định, người dân chỉ được lưu thông khi có giấy đi đường. Thực tế cho thấy, biện pháp này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần hạn chế tối đa người dân ra đường không có lý do chính đáng.Tuy nhiên, theo thống kê, từ ngày 23/7 - 8/9, lực lượng chức năng Hà Nội đã xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chủ yếu là ra đường không có lý do chính đáng, phạt hành chính hơn 68 tỷ đồng. Con số đó cho thấy một thực tế, ý thức của bộ phận không nhỏ người dân còn chưa cao, chưa chấp hành nghiêm các quy định về giãn cách xã hội. Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Nếu không có công cụ kiểm soát là giấy đi đường, sẽ có hàng triệu người bất chấp nguy cơ dịch bệnh để đi lại, đẩy Hà Nội vào nguy cơ bùng phát dịch nghiêm trọng. Việc cấp giấy đi đường là vô cùng cần thiết”.
Công an quận Ba Đình kiểm tra giấy đi đường của người dân trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Phạm Hùng |
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, giãn cách xã hội là một trong những “chiến thuật” mang tính sống còn đối với cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều vấn đề mới phát sinh, phức tạp, bỡ ngỡ ví dụ như giấy đi đường, có thể khiến nhiều người e ngại.
“Nhưng nhìn vào thực tế cho thấy, chính sự e ngại đó sẽ tác động đến ý thức của người dân, khiến họ phải cân nhắc, thực sự cần thiết mới đi xin giấy để ra đường. Đó cũng là một khía cạnh tích cực cần ghi nhận” - ông Đỗ Cao Phan nhìn nhận.Từ ngày 24/7 tới nay, mẫu giấy đi đường và cơ quan cấp đã được điều chỉnh từng phần cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu thực tế. Sự điều chỉnh đó đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân vẫn cho rằng, áp dụng giấy đi đường để siết chặt giãn cách xã hội là cần thiết. Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố số 42, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) Trần Văn Bính chia sẻ: “Nếu không kiểm soát, biết bao nhiêu người sẽ tuỳ tiện đi lại, tập trung đông đúc vì những lý do trời ơi đất hỡi, dịch bệnh đến bao giờ mới hết lây lan? Hà Nội chưa bao giờ phải cấp một loại giấy tờ như vậy, bỡ ngỡ, điều chỉnh là việc hết sức bình thường”.Nỗ lực tối đaTừ ngày 30/7, khi có phản ánh về hiện tượng cấp giấy đi đường vô tội vạ tại các DN, Hà Nội đã điều chỉnh, quy định một mẫu chung. Tiếp đó, Công an TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phân thành 6 nhóm đối tượng, cấp giấy đi đường theo mẫu mới từ ngày 3/9. Chỉ trong ba ngày 5 - 7/9, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã cấp trên 500.000 giấy đi đường có mã QR cho người dân và DN. Công an các phường, xã cũng làm việc cả buổi tối để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân.Theo ghi nhận của PV, giờ cao điểm sáng ngày 8/9, tại các chốt: Cầu Diễn, Đại lộ Thăng Long, cầu Mai Lĩnh, cầu Thạch Bích… không xảy ra ùn tắc, người và phương tiện lưu thông thuận lợi. Tại các chốt, lực lượng chức năng dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu, có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ.
Cùng với đó, khử trùng trong trường hợp cần thiết, kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1. Kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT Số 6 cho biết: “Chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cầu Diễn nằm trên tuyến đường 32, kết nối nhiều huyện vào trung tâm TP Hà Nội, lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn. Để giảm thiểu tối đa ùn tắc, chúng tôi tiến hành tăng cường lực lượng để thực hiện nhiệm vụ sao cho tạo điều kiện di chuyển thuận lợi nhất cho người dân”.Bên cạnh việc tăng cường lực lượng, theo Thiếu tá Chiến, lực lượng chức năng kết hợp phân luồng từ xa, đồng thời gọi loa nhắc nhở người dân chuẩn bị sẵn giấy đi đường trên tay khi đến chốt chỉ việc xuất trình. Việc người dân dừng xe, tìm giấy đi đường rất mất thời gian.Bên cạnh đó, tất cả chốt kiểm soát giao thông trên địa bàn TP đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để giảm thiểu phiền hà, ùn tắc cho người dân. Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Thượng tá Nguyễn Chí Công cho biết, tại các chốt đã sử dụng cả xe loa, tuyên truyền nhắc nhở, phân luồng từ xa; đồng thời dùng máy quét mã QR để tiết kiệm thời gian qua chốt, tránh tập trung đông người.Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, để tránh ùn ứ giao thông, dẫn đến tập trung đông người tại một số chốt trực, lực lượng chức năng có thể kiểm tra xác xuất giấy đi đường trong giờ cao điểm; đồng thời tăng cường kiểm tra kỹ lưỡng hơn trong khung giờ thấp điểm. Đặc biệt, nên nghiên cứu mở các địa chỉ trực tuyến, tiếp nhận đề nghị và xét cấp giấy đi đường cho người dân qua mạng internet để thuận tiện hơn.Chị Mai Thị Lê Na (Mộ Lao, Hà Đông) cho biết, dù việc cấp giấy đi đường vừa qua có một số thay đổi, khiến người dân lo lắng, tuy nhiên, việc cấp và sử dụng giấy đi đường là cần thiết.
“Việc cấp một loại giấy tờ mới chưa từng có tiền lệ tất nhiên sẽ có bỡ ngỡ, khó khăn không tránh khỏi. Nhưng lãnh đạo TP cũng đã thực sự cầu thị, lắng nghe nguyện vọng của người dân để điều chỉnh cho phù hợp. Vì mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh, người dân cần đồng hành, ủng hộ TP, vượt qua những khó khăn này” - chị Mai Thị Lê Na cho hay.Giấy đi đường là một thủ tục mới hoàn toàn đối với Hà Nội cũng như nhiều TP lớn khác, ban hành trong một tình huống khẩn cấp khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. "Việc điều chỉnh trong ít ngày qua cho thấy, Hà Nội đã đặt người dân lên hàng đầu, nỗ lực hoàn thiện thủ tục, vừa đảm bảo giãn cách xã hội, vừa đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân. Phía ngược lại, người dân cũng nên đồng hành, ủng hộ TP để cùng vượt qua đại dịch - Thạc sĩ xã hội học Lê Hoàng Lan chia sẻ.
"Giấy đi đường nên thực hiện cấp, duyệt bằng công nghệ. TP cần xây dựng các cổng trực tuyến để người dân, DN đăng ký online, qua đó đảm bảo tính chính xác, minh bạch đồng thời hạn chế những khó khăn trong việc phải di chuyển tới trụ sở, cơ quan có trách nhiệm cấp giấy." - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật, luật sư Diệp Năng Bình "Việc TP Hà Nội triển khai cấp giấy đi đường theo quy định mới sẽ giúp quản lý tốt hơn, giảm tải hệ thống, hạn chế được tình trạng người dân đi lại không có lý do chính đáng. Mong rằng chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an sẽ hỗ trợ tối đa để người dân được cấp giấy đi đường một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất." - Ông Nguyễn Văn Giang - phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng |