Cắt giảm số lượng báo cáo về môi trường cho doanh nghiệp sẽ đem lại lợi ích lâu dài

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) vừa ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT, với những cải cách đột phá về chế độ báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, khi cắt giảm tới 85% số lượng báo cáo.

Đề xuất cắt giảm, tích hợp các báo cáo về môi trường
Từ năm 2016 đến nay, Bộ TN&MT đã quyết liệt thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng về cải cách thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành... Tuy nhiên, thực tế cho thấy môi trường là lĩnh vực liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Cắt giảm 85% số lượng báo cáo về môi trường cho doanh nghiệp sẽ đem lại nhiều lợi ích. (Ảnh minh họa)
Trước đây, môi trường là lĩnh vực có nhiều báo cáo nhất mà doanh nghiệp phải thực hiện so với các lĩnh vực khác còn lại của Bộ (chiếm 80%). Chế độ báo cáo về môi trường của doanh nghiệp, các nội dung cũng như thời điểm báo cáo của doanh nghiệp cũng rất khác nhau. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng quy định về chế độ báo cáo về môi trường trước đây thực sự là một gánh nặng hành chính đối với các doanh nghiệp.
Chia sẻ với báo chí, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết: “Chúng tôi đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra đề xuất cắt giảm, tích hợp các báo cáo về môi trường. Đề xuất này đã trở thành hiện thực khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định tích hợp các báo cáo về môi trường; Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã cụ thể hóa và quy định mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường chung của doanh nghiệp, tích hợp các báo cáo môi trường riêng lẻ trước đây”.
Về thực trạng chế độ báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trước khi ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết thêm, trước đó, hầu hết các doanh nghiệp phải thực hiện tối thiểu là 2 báo cáo và tối đa là 24 báo cáo khác nhau trong một năm để gửi các cơ quan có thẩm quyền khác nhau ở trung ương và địa phương.
Trong khi đó, đứng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước lại không có thông tin tổng thể về các vấn đề môi trường hay công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp do việc thực hiện chế độ báo cáo một cách riêng lẻ, phân tán theo từng nội dung cụ thể. Vì vậy, việc đề xuất cắt giảm, tích hợp báo cáo môi trường cho doanh nghiệp là hữu ích và cần thiết, đem lại nhiều hiệu quả cao.
Mỗi doanh nghiệp chỉ có 1 báo cáo môi trường
Sau khi Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, các doanh nghiệp chỉ thực hiện 1 báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong năm. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được gửi cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có liên quan, gồm cả cấp trung ương và cấp địa phương. Theo tính toán, Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã cắt giảm được 23 báo cáo, chiếm 85% số lượng báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bên cạnh báo cáo công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một vài báo cáo có tính chất đặc thù khác chưa được tích hợp. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đề xuất tích hợp các báo cáo này vào báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và sẽ được thực hiện trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường. Việc này nhằm bảo đảm quán triệt nguyên tắc “một doanh nghiệp chỉ có một báo cáo môi trường” để giảm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Phan Tuấn Hùng, việc cắt giảm này chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc cải cách chế độ báo cáo về môi trường đã được quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT.
Lợi ích dễ nhận thấy nhất là cắt giảm, tiết kiệm đáng kể nguồn lực, thời gian, chi phí thực hiện báo cáo cho doanh nghiệp, ước tính tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho cộng đồng doanh nghiệp. Nếu như trước đây doanh nghiệp phải xây dựng nhiều báo cáo môi trường có nội dung khác nhau, riêng lẻ thì nay chỉ xây dựng một báo cáo tổng hợp các báo cáo riêng lẻ trước đó phải thực hiện.
Không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi ích từ việc cắt giảm, đơn giản hóa chế độ báo cáo trong lĩnh vực môi trường, mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng được hưởng lợi từ việc tích hợp, đơn giản hóa chế độ báo cáo này. Báo cáo đầy đủ, tổng thể thông in có hệ thống sẽ giúp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, một trong những định hướng cải cách sắp tới của Bộ TN&MT là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước nhằm chuyển đổi và xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chế độ báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.