Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu hỏi “ăn gì” nóng nghị trường

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã làm nóng nghị trường khi Quốc hội dành cả ngày hôm qua để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

Những con số biết nói, những vụ việc từ thực tế đã được đưa ra để thấy rằng tình trạng vi phạm quy định an toàn thực phẩm khá phổ biến, an toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến giới hạn báo động - giới hạn đỏ.

 Kiểm tra vệ sinh thú y tại chợ Đền Lừ, quận Hoàng Mai. Ảnh: Quang Thiện

Ăn gì cho đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), câu hỏi ấy vẫn được nhiều người đặt ra hàng ngày và không dễ trả lời. Bởi liên tục các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, những hiện tượng gây mất ATTP bị phát hiện khiến người tiêu dùng hoang mang. Như có ý kiến đã nhấn mạnh, không thể nói rằng chúng ta đang thiếu hệ thống văn bản để xử lý vấn đề mất ATTP. Bởi thống kê từ đợt giám sát của Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2016, chỉ riêng Luật, Thông tư, Nghị định… của T.Ư ban hành đã là 158 văn bản. Các địa phương cũng có hơn 1.250 văn bản quản lý khác. Nhưng việc có quá nhiều văn bản cũng dẫn tới chồng chéo, vấn đề xảy ra rồi mới tìm cách xử lý.

Những con số thống kê từ giám sát được đưa ra trước Quốc hội cũng cho thấy, giai đoạn 2011 – 2016, trung bình 1 năm có 167,8 vụ ngộ độc thực phẩm, với gần 5.100 người mắc và 27 người chết. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm hơn 4 triệu ca bệnh với 123 người chết. Bệnh ung thư có diễn biến tăng “báo động”, khi mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Trong khi việc xử lý vi phạm ATTP lại quá ít, chưa đảm bảo tính răn đe. Bởi "những gì chúng ta biết và xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, trong khi mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng”, như một ĐB đã nhận xét.

Thực tế, tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” cũng được chỉ ra do cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết là các bộ, chính quyền địa phương trong chỉ đạo kiểm tra xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng cũng có cả trách nhiệm của người dân. “Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình?”, một ĐB đã thốt lên. Bởi “chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhưng những gì chúng ta nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên lý trí, chi phối dẫn đến hành động thiếu lương tri của họ”. Và đã đến lúc phải xử lý mạnh mẽ hơn những vi phạm, sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của người tiêu dùng sẽ là một nguồn lực vô hạn, đủ mạnh để có thể chuyển hóa tình hình, là thông điệp được đưa ra.

Hơn thế nữa, cũng cần thay đổi tư duy trong quản lý, rõ trách nhiệm hơn, là vấn đề được đưa ra với hy vọng kiểm soát được sự an toàn trong chuỗi cung cấp thực phẩm từ trạng trại đến bàn ăn; sự phối hợp liên ngành là vô cùng quan trọng. Do đó, cần kiểm tra từ khâu “đầu vào”, và bảo quản tiêu thụ sản phẩm chứ không phải “đầu cuối” là khâu chế biến. Gắn trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu các địa phương, đơn vị nếu để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng về ATTP, đó là điều được nhiều người nhắc tới.