Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu lạc bộ ngân hàng nghìn tỷ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngân hàng cổ phần lớn dẫn đầu về lợi nhuận nghìn tỷ đồng ở những năm trước đã tăng trưởng chậm lại trong 2010. Trong khi đó, các nhà băng có quy mô nhỏ hơn lại tăng tốc mạnh mẽ.

KTĐT - Những ngân hàng cổ phần lớn dẫn đầu về lợi nhuận nghìn tỷ đồng ở những năm trước đã tăng trưởng chậm lại trong 2010. Trong khi đó, các nhà băng có quy mô nhỏ hơn lại tăng tốc mạnh mẽ.

Những năm trước đây, câu lạc bộ nhà băng có lợi nhuận nghìn tỷ đồng thường loanh quanh ở 4 ngân hàng quốc doanh lớn, cộng thêm ACB, Techcombank và Sacombank. Ngân hàng Công thương (Vietninbank) và Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn được xếp vào nhóm “quốc doanh” vì cổ phần Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn. Khoảng 3 năm gần đây, nhóm này được bổ sung thêm Eximbank, Maritime Bank và Ngân hàng Quân đội. Riêng năm 2010, câu lạc bộ này được bổ sung thành viên mới nhất là Ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIB).

Đây cũng là năm chứng kiến sự phân hóa rõ rệt về tốc độ tăng trưởng của nhóm nhà băng cổ phần có lợi nhuận nghìn tỷ đồng. Tổ chức tín dụng cổ phần có quy mô lớn nhất (ACB) cũng là đơn vị có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất. Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 3.100 tỷ đồng, chỉ tăng 9% so với 2009. Hai tổ chức tín dụng đứng kế tiếp là Techcombank có lợi nhuận trước thuế là 2.750 tỷ đồng (tăng 21%) và Sacombank 2.831 tỷ đồng (tăng 30%). Ngân hàng Quân đội cũng có tốc độ tăng khoảng 30% và đạt mức 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Eximbank và Maritime Bank được xếp vào nhóm tăng trên 50% với lần lượt là 2.378 tỷ đồng (tăng 55%) và 1.518 tỷ đồng (tăng 51%). Riêng “tân binh” là VIB có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tới 72%, với 1.057 tỷ đồng.

Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần có nhiều kinh nghiệm về hoạch định chiến lược nhận xét, sự tăng trưởng chậm lại của những ngân hàng cổ phần thuộc top 3 xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, khi quy mô trở nên quá lớn, tốc độ tăng trưởng không thể luôn giữ ở mức cao. Thứ hai, từng ngân hàng này cũng có những vấn đề nhất định trong hoạt động và chưa kịp chuyển đổi dẫn tới kết quả không tốt như những năm trước.

“Trong khi đó, những nhà băng như Miritime Bank hoặc VIB có quy mô chưa quá lớn, tổng tài sản mới ở mức 100.000 tỷ đồng. Điều này cộng với những cải tổ mạnh mẽ về mô hình hoạt động trong vài năm gần đây giúp họ có bước tăng trưởng rất mạnh”, ông này nói.

Maritime Bank và VIB cùng thuê những công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới để tái cấu trúc lại toàn bộ hoạt động của ngân hàng. Trong vài năm gần đây, những chuyên gia tư vấn của Boston Consulting Group và McKinsey đã giúp VIB và Maritime Bank có một bộ mặt mới.

Trong năm 2010, VIB còn đón nhận thêm một “luồng gió mới” từ cổ đông chiến lược nước ngoài là ngân hàng số 1 của Australia - Commonwealth Bank of Australia (CBA). Ngoài việc góp 15% vốn, CBA còn bổ sung 2 thành viên hội đồng quản trị, cùng 12 lãnh đạo cao cấp vào ban điều hành của VIB, giúp nhà băng này có sự thay đổi lớn về hoạt động trong năm 2010.

Một chuyên gia tư vấn chiến lược ngân hàng am hiểu về tình hình của 2 nhà băng trên nhận xét: “Trong thời gian gần đây, Maritime Bank là một hiện tượng về cải cách toàn diện, với tốc độ rất nhanh theo mô hình của một ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, khi thực hiện quá nhanh thì tổ chức cũng có thể gặp phải những rủi ro không nhỏ”.

Về VIB, ông này cho rằng quá trình tái cấu trúc diễn ra ổn định hơn và kéo dài từ những năm trước. Bên cạnh đó, sự tham gia mạnh mẽ của CBA – ngân hàng số một tại Australia, vào quá trình cải cách cũng sẽ giúp tăng tốc quá trình cải cách của nhà băng này nhưng vẫn đảm bảo độ an toàn cần thiết.

Với Eximbank, kể từ khi có cổ đông chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC – Nhật Bản) năm 2008 – ngân hàng này có tốc độ phát triển không cao trong năm 2009. Tuy nhiên, sau khi có thay đổi nhân sự cấp cao tại nhà băng này, sang 2010, tình hình đã thay đổi; lợi nhuận tăng tới 55% và còn tổng tài sản tăng gần 100%.

Bình luận về mức lợi nhuận nghìn tỷ của một số tổ chức tín dụng, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty quản lý quỹ nhận xét: “Nếu chỉ tính vào lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mà không nhìn vào vốn chủ sở hữu thì sẽ không thể đánh giá chính xác được. Bởi trên thực tế, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các nhà băng có lợi nhuận lớn cũng chỉ khoảng 15%, thấp hơn nhiều ngành nghề khác”.

Còn ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Baoviet Bank bình luận: “Ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế và cũng đi làm kinh doanh. Nếu ép họ giảm hiệu quả kinh doanh thì sẽ không tốt cho toàn bộ nền kinh tế và không thể thu hút nhà đầu tư bỏ thêm tiền để làm cho huyết mạch mạnh lên. Đây là chưa kể tỷ suất lợi nhuận thực tế của họ cũng không cao”.

Trong khi đó, ông Ân Thanh Sơn, Tổng giám đốc VIB cho biết, trong những lúc nền kinh tế khó khăn, các ngân hàng luôn tìm cách tăng cường đầu tư cho công nghệ và dịch vụ, nhân sự, mạng lưới và quản trị điều hành. Đây là thời điểm mà những giá trị đầu tư đó phát huy, giúp thu nhập của ngân hàng không còn quá lệ thuộc ở hoạt động cho vay.