“Cầu nối” đưa sản phẩm đào tạo đến sát doanh nghiệp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thiết bị đào tạo tự làm không chỉ góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu, kỹ năng tay nghề của giáo viên và người học mà tiết kiệm rất lớn chi phí đầu tư cho nhà trường.

Sân chơi bổ ích
Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm cấp TP 2019 có sự tham gia của 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với 54 thiết bị đào tạo tự làm phong phú về chủng loại và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), cũng như hàm lượng kết tinh về trí tuệ, năng suất lao động của các nhà giáo.
 Các sản phẩm thiết bị đào tạo tự làm được các cơ sở GDNN mang đến tham gia Hội thi. Ảnh: Thủy Trúc
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn nhận định: Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với GDNN có 70% nội dung chương trình đào tạo là thực hành. Để thực hành tốt thì phải có các máy móc thiết bị đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong thời đại ứng dụng KHCN đang phát triển. Tuy nhiên, để đầu tư máy móc phải có nguồn lực lớn, do đó, phong trào tự làm các thiết bị đào tạo để đáp ứng yêu cầu là rất cần thiết với mỗi cơ sở GDNN.
Xác định được tầm quan trọng của các thiết bị đào tạo tự làm nên không chỉ chờ hội thi cấp TP, quốc gia, hiện nay nhiều trường đều triển khai phong trào để thúc đẩy tính sáng tạo, sự năng động, yêu nghề của đội ngũ giáo viên. Cũng như phục vụ công tác GDNN ngày càng phong phú và đáp ứng tốt hơn yêu cầu giảng dạy, thị trường, chủ sử dụng lao động.
“TP tổ chức Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm - là nơi các nhà giáo được giao lưu, học hỏi để có thêm nhiều kinh nghiệm, sáng kiến hơn. Và các nhà trường cũng học tập được cách đầu tư tiết kiệm nhưng hiệu quả cho các chương trình đào tạo của mình” - bà Thanh Nhàn khẳng định.
 Chiều 31/5, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổng kết Hội thi thiết bị đào tạo tự làm TP Hà Nội năm 2019. Ban tổ chức đã trao giải Nhất tập thể cho trường CĐ Cơ điện Hà Nội. Giải Nhì là trường CĐ nghề Việt Nam - Hàn Quốc; trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội. Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội và Công nghệ thực phẩm Hà Nội đoạt giải Ba.
Ông Tạ Văn Xã - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội - đơn vị tham gia Hội thi với 2 thiết bị đào tạo tự làm chia sẻ: Nếu phải đầu tư mua các thiết bị công nghệ trên thị trường thì giá thành rất cao. Cho nên, nhiều năm nay nhà trường cùng với tất cả các khoa đã chế tạo thiết bị với chi phí thấp để đáp ứng kịp thời sự thiếu hụt trong quá trình đào tạo nghề. Còn các giáo viên cơ sở GDNN đến với Hội thi cùng những sản phẩm sáng chế với tâm trạng rất phấn khởi, hồi hộp. Bởi qua Hội thi, các nhà giáo sẽ tự đánh giá thực lực của mình, nghe những đóng góp từ ban giám khảo và đồng nghiệp để hoàn thiện sản phẩm đưa vào giảng dạy hiệu quả nhất.
Nhà giáo và người học được trang bị kỹ năng
Đầu tư trang thiết bị mới là vấn đề rất khó khăn đối với các trường dạy nghề. Không chỉ thế, với làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, trong trường hợp nhà trường mua sắm được trang thiết bị nhiều tiền nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó đã lỗi thời bởi sự ra đời của sản phẩm hiện đại hơn. Vì thế, không ít cơ sở GDNN đã tổ chức phong trào nghiên cứu khoa học để nhà giáo thiết kế thiết bị dạy học và đem vào ứng dụng trong thực tế. Những sản phẩm nào ứng dụng có hiệu quả, nhà trường tiếp tục nhân bản.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội đưa ra quan điểm: Khi tự sáng chế ra các thiết bị, bản thân các thầy cô sẽ chủ động hơn trong lĩnh vực giảng dạy và đào tạo. Người học được tiếp cận và vận hành với các thiết bị để khi ra ngoài làm việc sát và thực tế hơn với môi trường DN và được chấp nhận tuyển dụng.
Trước những băn khoăn về việc hiện nay công nghệ thay đổi nhanh chóng của công nghệ, liệu các thiết bị đào tạo tự làm có theo kịp xu hướng phát triển, cô Nguyễn Hằng Nga - Trưởng phòng Đào tạo, trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội phản hồi: Với cuộc cách mạng 4.0, những sản phẩm thiết kế cũng phải đáp ứng được những tiêu chí đó như sử dụng năng lượng sạch, tòa nhà thông minh... Giáo viên cũng lồng ghép những yếu tố đó vào trong bài thực hành.
Trên cơ sở thiết kế của giáo viên, sinh viên hoàn toàn có thể chế tạo theo những ý tưởng đó hoặc đi theo hướng riêng của mình, qua đó không chỉ rèn được kỹ năng chế tạo thiết kế mà còn là khả năng thiết kế. Theo cô Nga, khi giáo viên tự sáng chế thiết bị đào tạo, họ được học thêm kiến thức ở lĩnh vực khác bổ trợ rất nhiều cho chuyên môn.
Nhà trường đỡ được nguồn kinh phí khá lớn nếu phải nhập mua trang thiết bị. Nhưng còn có vấn đề nữa, đó là các thiết bị được nhập về thường là đóng gói nguyên khối, khi thực hành sinh viên rất khó có thể trực quan hiểu biết sâu bên trong. Nếu mỗi lần học, thiết bị được tháo ra và lắp ráp trở lại rất khó đạt được chuẩn như ban đầu.
Trong khi đó, với mô hình thiết bị tự làm, sinh viên có thể tự tháo ra và lắp ráp lại theo bản thiết kế. Hiện đã có những trường cho sinh viên làm đồ án tốt nghiệp bằng việc cùng tham gia với thầy cô giáo một phần công đoạn thiết bị tự làm... Sáng chế thiết bị đào tạo đã giúp người học tăng cường khả năng nghề, thiết kế, làm việc nhóm, phối hợp giữa các nhóm để tạo ra kỹ năng cứng và mềm. Đó là đích cuối cùng trong đào tạo nghề của nhiều cơ sở GDNN hướng đến.