Đây là ghi nhận và đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý tại hội nghị Tổng kết chương trình Học bổng Quốc tế IFP Việt Nam 2001-2013 do Quỹ Ford tổ chức ngày 28/6 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Trần Quang Quý: “Những học viên tốt nghiệp đã và đang có những đóng góp cụ thể trong các lĩnh vực quan trọng”
Chương trình học bổng Quốc tế IFP của Quỹ Ford được thành lập với nhiệm vụ mở rộng cơ hội giáo dục ĐH cho những người có tiềm năng lãnh đạo từ các cộng đồng thiệt thòi. Việt Nam là một trong 4 nước được chọn làm thí điểm của chương trình.
Tại buổi tổng kết, bà Minh Kauffman-Giám đốc Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam-đơn vị đối tác quốc tế cho Quỹ Ford - cho hay: Chương trình IFP được triển khai vào tháng 5/2001 với nhiều đối tác đồng hành từ trung ương đến địa phương. Có 3 nhóm thiệt thòi, cộng đồng khó tiếp cận với giáo dục đại học được chiêu sinh gồm: những người đang sinh sống và làm việc ở những vùng nông thôn khó khăn, các nhóm dân tộc thiểu số, phụ nữ. Khi tham gia, các nhóm này phải đạt 3 tiêu chí về ý chí quyết tâm phục vụ cộng đồng và tiềm năng lãnh đạo trong tương lai.
Sau hơn 12 năm triển khai Chương trình IFP, đến nay đã có 270 công dân Việt Nam nhận học bổng IFP.
Trong đó, có 85% xuất thân từ các tỉnh, thị trấn nhỏ hay vùng nông thôn, khó khăn; 27% là người dân tộc thiểu số từ 21 nhóm dân tộc (Chăm, Dao, Ê Đê, Giáy, Giarai, H’Mông, Hoa, H’re, Khmer, K’hor, K’Tu, Mường, Nùng, Nguồn, Tầy, Sê Đăng, Thái, K’Giong, Pakô, Padi, Bru Vân Kiều) và 7 người khuyết tật.
Những người này được theo học tại nước ngoài các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ các ngành quan trọng đối với Việt Nam như Phát triển cộng đồng, Giáo dục, Môi trường; Sức khỏe, Nhân văn.
Ghi nhận những kết quả đạt được của Chương trình IFP, Thứ trưởng Trần Quang Quý vui mừng khi được biết đã có hơn 200 người trở về nước và vẫn tiếp tục làm việc tại các vùng khó khăn, hoặc dù thay đổi nơi công tác thì họ vẫn là những bác sĩ, kỹ sư, những nhà hoạt động xã hội miệt mài làm việc ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi cộng đồng cần đến họ. Có những người đã trở thành giảng viên ĐH về công tác xã hội, hoặc lãnh đạo các trung tâm từ thiện. Còn những người chưa về, có một số tốt nghiệp vào tháng 8 và 12; số còn lại tiếp tục theo học tiến sĩ từ các nguồn học bổng của nhà nước và quốc tế.