Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu thị và thức thời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như những tuyên cáo chính sách đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi chính thức nhậm chức lần thứ 3 thiên về chính trị đối ngoại và an ninh thì quyết sách đầu tiên của nội các nhiệm kỳ mới của ông Abe lại thuần túy về kinh tế, cụ thể là chương trình kích cầu tăng trưởng kinh tế 26 tỷ USD. Thiên hạ đọc được ra từ đó dụng ý của ông Abe.

Kích cầu tăng trưởng kinh tế với quy mô tài chính lớn vốn là bộ phận quan trọng trong hệ thống quan điểm đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội được ông Abe thực thi kể từ khi trở lại nhậm chức cách đây 2 năm - được gọi là Abenomics. Bây giờ, ông Abe đưa ra chương trình kích cầu tăng trưởng kinh tế mới như thế thì đâu có khác gì muốn thiên hạ hiểu rằng, đất nước Nhật Bản hiện có Chính phủ mới thật đấy nhưng định hướng chính sách cơ bản không khác trước. Vị Thủ tướng này xem ra sau khi tái cử không thấy cần thiết phải thay đổi Abenomics, nhưng cũng có thể do chưa có kiến giải gì khác cho nước Nhật nên đành phải tiếp tục Abenomics.

Dù vậy, qua đấy cũng còn thấy dáng dấp của thái độ cầu thị và thức thời ở ông Abe khi bắt đầu nhiệm kỳ cầm quyền thứ 3 này. Nói gì thì nói nhưng khi quyết sách đầu tiên nhằm vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì cũng có nghĩa là ông Abe ý thức được sự cần thiết phải xác định lại ưu tiên chính sách. Cử tri xứ này giúp ông Abe tiếp tục cầm quyền nhưng họ muốn thấy nước Nhật ra khỏi tình trạng giảm phát lâu nay, muốn thấy ông Abe giải quyết vấn đề nợ công và khắc phục tác động của tình trạng số lượng người già ngày càng tăng. Họ cho ông Abe cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa nhưng không phải để cho ông Abe muốn làm gì thì làm. Xem ra, vị Thủ tướng này đã nhận ra tâm trạng và thâm ý đó của cử tri.