Mới đây nhất, 3 cái tên đáng chú ý của bóng đá Việt Nam là Văn Lâm, Công Phượng và Xuân Trường tiếp tục lựa chọn hướng đi mới cho sự nghiệp của mình. Văn Lâm và Xuân Trường lần lượt đầu quân cho Muangthong United và Buriram United (Thái Lan), Công Phượng sang Incheon United (Hàn Quốc).
Xu hướng tất yếu
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên có cầu thủ được các câu lạc bộ nước ngoài để ý và chiêu mộ. Năm 2001, tiền đạo Lê Huỳnh Đức sang Trung Quốc đầu quân cho câu lạc bộ Chongquin Lifan. Tuy nhiên, đây là một bản hợp đồng nặng về thương mại vì đổi lại Chongquin Lifan tài trợ 60 xe đặc chủng cho đội bóng Công an TP Hồ Chí Minh.
Tiếp đến, Nguyễn Việt Thắng cũng từng được gửi sang câu lạc bộ Porto B vào năm 2005 sau khi bị treo giò 3 năm. Người được cho là thành công nhất tính đến thời điểm này chính là tiền đạo Lê Công Vinh. Cầu thủ người Nghệ An không chỉ một mà những hai lần xuất ngoại, khi đầu quân cho Leixoes của Bồ Đào Nha năm 2009 và Consadole Sapporo của Nhật Bản năm 2013.
Có thể thấy, việc các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu đang là xu hướng tất yếu trong sự phát triển vượt bậc của bóng đá Việt Nam. So với những chuyến xuất ngoại trước đây, hiện tại các cầu thủ Việt Nam được kỳ vọng nhiều hơn trong việc khẳng định năng lực bản thân tại những giải đấu mạnh của châu lục.
Đặc biệt, với những gì các cầu thủ đã thể hiện trong một năm 2018 thành công vang dội cũng như ấn tượng trên đất UAE thì việc ra nước ngoài thi đấu không còn quá bất ngờ, ngạc nhiên với người hâm mộ và bản thân các cầu thủ có quyền mơ về một tương lai tốt đẹp ở các câu lạc bộ nước ngoài.
Được gì và mất gì?
Trong ba bản hợp đồng mới “xuất ngoại”, Văn Lâm là cái tên đáng chú ý nhất khi thủ môn này đang tạm là cầu thủ Việt Nam được hưởng lương cao nhất tại nước ngoài. Với bản hợp đồng 3 năm ký với Muangthong United, Văn Lâm nhận một mức lương cao cực khủng, khoảng 200.000 USD/năm cùng nhiều chế độ đãi ngộ hậu hĩnh khác so với trước đó.
Trong khi đó, theo như thông tin tiết lộ thì Xuân Trường sẽ nhận mức lương 10.000 USD/tháng trong vòng một năm. Như vậy, tổng tiền lương Xuân Trường được nhận tại đội bóng Thái Lan sẽ là 120.000 USD (hơn 2,5 tỷ đồng).
Ngoài ra, Buriram United cũng trả cho HAGL phí mượn lên đến 150.000 USD. Như vậy, việc các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu cho các câu lạc bộ ngoại đã mang đến một khoản thu lớn cho chính bản thân mình cũng như câu lạc bộ cũ. Bên cạnh đó, điều mà các cầu thủ nhận được nhiều nhất chính là việc được thi đấu ở một môi trường bóng đá mới, qua đó có cơ hội đổi mới mình.
Hơn thế, với sự phát triển của bóng đá Thái Lan và Hàn Quốc, các cầu thủ Việt Nam sẽ được học hỏi nhiều hơn để nâng cao bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu. Từ những cơ sở đó, nhìn một cách khách quan, cơ hội cho Văn Lâm, Công Phượng và Xuân Trường ở lần “xuất ngoại” này cực kỳ lớn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận vào thực tế khi còn nhiều điều đáng lo. Nếu như đội bóng Thái Lan phải bỏ ra một số tiền lớn để có được Văn Lâm cho thấy, sự kỳ vọng và tin tưởng vào cầu thủ này là lớn như thế nào. Nhiều khả năng Văn Lâm sẽ được bắt chính. Trong khi đó, Công Phượng và Xuân Trường đều ở dạng cho mượn một năm, không dễ để giành lấy vị trí đá chính, thậm chí là ra sân thường xuyên.
Công Phượng từng được gửi sang câu lạc bộ Mito HollyHock (J-League 2) ở mùa 2016 để tu nghiệp nhưng lại gặp muôn vàn khó khăn trong việc chứng minh năng lực trước nhiều tài năng trẻ của Nhật Bản. Xuân Trường không thể hiện được nhiều để giành một vị trí chính thức khi khoác áo Incheon United và Gangwon FC (K-League Classic).
Liệu rằng một năm ra nước ngoài thi đấu họ có được trọng dụng, thể hiện được mình hay một lần nữa lại đánh rơi phong độ, để rồi lại mất thêm thời gian để hòa nhập V-League khi về nước?
Chuyến xuất ngoại lần này của Xuân Trường, Công Phượng sẽ mang nhiều thử thách nhưng đó cũng là cơ hội để các cầu thủ vượt qua giới hạn của bản thân và vươn tới đỉnh cao mới, mở ra lối đi mới cho lứa cầu thủ đàn em. Đó cũng là điều người hâm mộ chờ đợi họ.q