Thế nhưng, hiện tượng này mới chỉ giảm mà chưa hết. Cho dù những nội dung điều chỉnh này luôn mang tính nhạy cảm, nhưng theo trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho rằng: Đã là Chỉ thị của Bộ Chính trị thì không có ranh giới điều chỉnh.
Sau Quy định 55 – QĐ/TW của Bộ Chính Trị, Bộ VHTT&DL sẽ triển khai đến các địa phương như thế nào để có thể giảm bớt được tiệc tùng xa hoa của cán bộ, công chức, viên chức nhân dịp Tết sắp đến?
- Với chức năng, nhiệm vụ của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu, cụ thể hóa những quy định của Bộ Chính trị thành văn bản chỉ đạo, quản lý và đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở cơ sở, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong cán bộ, công chức và Nhân dân.
Triển khai thực hiện nếp sống văn minh cũng quy định không tổ chức đám cưới, đám hỏi, sinh nhật… quá to; đặc biệt lưu ý trong cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, thực tế chủ yếu các đám cưới linh đình vẫn là của gia đình cán bộ Nhà nước, đặc biệt quan chức.
Theo bà, cần tăng cường các quy định, chế tài xử phạt gì để thay đổi nếp sống, nếp nghĩ tiệc tùng xa hoa từ chính các cán bộ?
- Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, hiện tượng tổ chức đám cưới, đám hỏi phô trương đã giảm đáng kể. Việc thực hiện tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh ngày một tăng; hình thức tổ chức cưới theo nếp sống văn minh đã được nhiều bạn trẻ và gia đình lựa chọn. Hầu hết các đám cưới đều được tổ chức vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và trang trọng; Đa số các đám cưới thực hiện đúng thời gian, số lượng khách mời, trang phục cô dâu, chú rể phù hợp với truyền thống dân tộc… Một số đám cưới như bạn nói chỉ là điển hình, nhưng Bộ VHTT&DL cũng đã tham mưu trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam giai đoạn hiện nay. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ban hành văn bản quy định về tổ chức cưới của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, con của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đảm bảo tính gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các Ban, Bộ, Ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể T.Ư tích cực phối hợp với ngành Văn hóa tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền ở cơ sở, tổ chức tọa đàm, lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp Đảng, đoàn thể, khu dân cư. Đồng thời chỉ đạo và quán triệt cán bộ, công chức, viên chức trong ngành nêu cao vai trò gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh.
Việc đi lễ hội đầu năm cũng như tặng quà chúc mừng ngày Tết là một truyền thống. Nhưng truyền thống đó ngày càng bị biến tướng và trục lợi. Theo bà làm thế nào để giảm được hiện tượng quan chức đi lễ hội đầu năm?
- Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các đơn vị không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Nhìn chung trong mùa lễ hội năm 2016, các cơ quan, đơn vị ở T.Ư cũng như địa phương đều thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tượng cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội nhưng không phải là phổ biến. Để khắc phục tình trạng này, trước tiên người lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó phải làm gương, nêu cao tính kỷ luật, kỷ cương trong công việc để cấp dưới làm theo. Bên cạnh đó, mỗi người cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức được trách nhiệm với vị trí công việc mình phụ trách. Xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính và người đứng đầu cơ quan cũng phải chịu trách nhiệm.
Những hoạt động liên quan tới hiếu hỉ, lễ Tết... thường gây tranh cãi khi điều chỉnh, bởi đó là ranh giới giữa lý và tình, chẳng hạn như các ý tưởng từng bị phản đối về việc số vòng hoa trong đám ma hay số mâm cỗ trong đám cưới... Theo bà, chúng ta có một ranh giới nào trong việc điều chỉnh không?
- Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nên không có ranh giới trong việc điều chỉnh.
Xin cảm ơn bà!