Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấm dứt tình trạng SIM vô chủ

Tuấn Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hàng loạt quy định nhằm siết chặt quản lý thị trường SIM, mới đây, Nghị định 49/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành tiếp tục đưa ra những quy định truy rõ trách nhiệm của nhà mạng đối với việc đăng ký thuê bao di động trả trước và hạn chế việc bán SIM tràn lan tại các đại lý, hộ kinh doanh hiện nay.

Hạn chế chủ sở hữu SIM
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Nghị định 49/2017/NĐ-CP mới ban hành được coi là biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả để tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, dẹp vấn nạn SIM rác hiện nay. Bà Mơ cho biết, Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
 Khách hàng đăng ký sim, số điện thoại tại phòng giao dịch Mobifone Nguyễn Chí Thanh.Ảnh: Thanh Hải
Một trong những điểm mới của Nghị định 49 là không hạn chế số lượng SIM trả trước đối với mỗi cá nhân, tổ chức được sử dụng. Với 3 số thuê bao đầu tiên, cá nhân chỉ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao, từ số thuê bao thứ 4 trở lên cá nhân cần ký hợp đồng với DN viễn thông. Theo đó, khách hàng đăng ký thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng số thuê bao đã được cung cấp.

Cũng theo Nghị định mới ban hành, khi chuyển quyền sử dụng số thuê bao cho người khác, người chuyển quyền sử dụng và người nhận quyền sử dụng phải thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng số thuê bao với DN viễn thông theo đúng các quy định của pháp luật. Các thuê bao di động sẽ phải tự kiểm tra thông tin thuê bao của mình trên trang thông tin điện tử của DN, hoặc nhắn tin thông tin thuê bao gửi 1414. Trong quá trình sử dụng, người sử dụng thuê bao phải có trách nhiệm cập nhật lại thông tin thuê bao khi phát hiện thông tin thuê bao của mình không đúng hoặc khi nhận được thông báo của DN viễn thông về thông tin thuê bao không đúng quy định.

Rõ ràng, với những quy định quản lý SIM trả trước chặt chẽ đối với cả nhà mạng và người sử dụng như vậy thì việc bãi bỏ quy định 3 SIM/người/mạng là phù hợp, mặt khác xu hướng internet vạn vật kết nối đang phát triển mạnh nên số lượng SIM kết nối với máy sẽ nhiều lên, do đó quy định hạn chế sở hữu SIM như trước đây là không còn hợp lý.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, hiện nay, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt hơn 126 triệu và Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao trên thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các thuê bao di động hiện nay là thuê bao di động trả trước (chiếm hơn 95%), và hơn 75% số thuê bao di động trả trước có thông tin không chính xác. 

Phạt nặng nhà mạng có sai phạm

Trước khi có Nghị định 49, SIM trả trước được rao bán tự do từ các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do nhà mạng lập ra, các đại lý SIM thẻ cho đến những người bán hàng tạp hóa, bán trà đá dẫn đến tình trạng loạn SIM. Để chấm dứt câu chuyện này, Nghị định mới quy định rõ, SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, sẽ không còn hình thức điểm giao dịch được DN viễn thông ủy quyền cho các hộ kinh doanh. Hành vi bán SIM thuê bao di động khi không được nhà mạng ký hợp đồng ủy quyền bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Nghị định sẽ tập trung quản lý mạnh vào các nhà mạng với các quy định như nhà mạng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các điểm ủy quyền...
 Khách hàng lựa chọn mua bán sim trên phố Kim Mã.Ảnh: Anh Tuấn
Như vậy, nếu có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước thì nhà mạng sẽ là đối tượng bị xử lý thay vì đổ trách nhiệm sang đại lý SIM thẻ như trước. Ngoài ra, sau 3 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, các điểm đăng ký thông tin thuê bao, đại lý phân phối SIM thuê bao nếu không được ủy quyền sẽ phải ngừng hoạt động liên quan tới đăng ký thông tin thuê bao, phân phối SIM thuê bao liên quan tới DN đó.

Trong vấn đề xử phạt vi phạm, Nghị định 49 tập trung chủ yếu xử phạt các DN viễn thông di động với các mức phạt rất cụ thể, chi tiết. Đáng chú ý, nhà mạng sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng khi không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện đăng ký lại thông tin khi phát hiện thông tin thuê bao sai quy định. Mức phạt cũng lên đến 100 triệu đồng đối với người đại diện theo pháp luật của nhà mạng khi không bố trí nhân sự, phương tiện kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng truy nhập cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của DN để kiểm tra khi nhận được yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền… Như vậy, nếu nhà mạng từ chối việc cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra cơ sở dữ liệu thuê bao tập trung sẽ bị xử phạt nặng thay vì chỉ bị nhắc nhở như trước đây.

Trước những chế tài xử phạt mạnh tay, các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone… khẳng định sẽ tuân thủ quy định và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc quản lý dữ liệu thông tin thuê bao, qua đó đẩy lùi vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Về phía cơ quan quản lý, ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp các sở kiểm tra gắt gao thị trường, mà đối tượng chính là các nhà mạng.

Chiều 11/5, 5 DN viễn thông gồm: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và Gtel đã ký cam kết với Bộ TT&TT cam kết phối hợp tăng cường chặn tin nhắn rác. Đây được coi là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ di động của các nhà mạng sau này và được công bố trên website của các nhà mạng để xã hội, người dân cùng giám sát kết quả, qua đó nhà mạng phải nỗ lực hơn trong việc chặn tin nhắn rác. Thời gian thực hiện cam kết là từ 1/7/2017.