Sáng 8/8, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho trẻ tự kỷ tại hội nghị giới thiệu các khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em Liên Hợp quốc với Việt Nam, ThS.BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng: Nhà nước cần quan tâm đến nhóm trẻ tự kỷ và có những hình mẫu giáo dục chuyên biệt, bởi giáo dục cho trẻ tự kỷ cần có những phương pháp đặc biệt, không chỉ dạy dỗ các em về trình độ văn hóa mà còn dạy dỗ về vấn đề tâm lý.
Tự kỷ đã không còn là căn bệnh xa lạ trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ chưa có đầy đủ kiến thức về căn bệnh này và vẫn gặp khó khăn trong việc đưa con đi chữa bệnh, đi học. Mới đây, dư luận không khỏi bức xúc trước vụ bạo hành trẻ tự kỷ tại Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, nhiều nhân viên, bảo mẫu liên tục dùng tay, dùng khúc gỗ, móc sắt… đánh trẻ.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
|
Trước vấn đề này, ThS.BS. Nguyễn Trọng An cho biết: “Thực ra, trẻ tự kỷ cũng là những trẻ em bình thường, nhưng có chút rối loạn về vấn đề thần kinh lan tỏa. Có rất nhiều trường hợp mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đối với những trẻ tự kỷ ở giai đoạn nhẹ và vừa thông thường các em không có nhiều dấu hiệu bất thường, thậm chí còn thông minh hơn vượt trội. Chính vì vậy, các em cần được có môi trường giáo dục hòa nhập. Còn đối với những trường hợp trẻ tự kỷ dạng nặng lại cần có phương pháp giáo dục chuyên biệt dạng khuyết tật đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay nước ta chưa có một trường công lập mẫu mực chuyên dạy dỗ trẻ tự kỷ, khiến trẻ tự kỷ càng khó hòa nhập với cộng đồng”.
Trẻ mắc hội chứng tự kỷ đang ngày càng gia tăng. Cả nước hiện có hàng chục nghìn trẻ mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít trường dạy dỗ trẻ tự kỷ theo đúng tiêu chí đạt chuẩn quốc tế. Rõ ràng, xây dựng mô hình hòa nhập hay chuyên biệt để chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỉ cũng đều cần sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục… Quan trọng hơn, đó là sự chung tay sẻ chia của cả cộng đồng xã hội để những gia đình có trẻ tự kỉ không cảm thấy đơn độc trên hành trình giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống
Cũng trong buổi thảo luận, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cũng nhấn mạnh các khuyến nghị chính và những vấn đề ưu tiên cần giải quyết. Đó là, những vấn đề khó khăn vướng mắc về độ tuổi trẻ em, giám sát quyền trẻ em một cách hệ thống; sự bất bình đằng ngày càng gia tăng trong các chỉ số về trẻ em; phân bổ ưu tiên nguồn lực để giải quyết các vấn đề trẻ em thông qua hệ thống ngân sách và kế hoạch…
Đồng thời, các đại biểu cũng xác định rõ trách nhiệm của bộ ngành, cơ quan Trung uơng và địa phương trong việc thực hiện quyền trẻ em một cách đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả, nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Trong 18 vấn đề của 82 khuyến nghị được Liên Hợp quốc đưa ra, trong đó chú trọng vấn đề bảo vệ quyền lợi trẻ em, đặc biệt trong 1.000 ngày đầu đời và lứa tuổi từ 16 - 18 tuổi.
Đại diện hội Luật gia Việt Nam, ông Trương Hồng Khanh cũng cho rằng, việc bảo vệ trẻ em hiện nay cần tăng cường năng lực của các cơ quan phụ trách trẻ em, triển khai theo dõi, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em như thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về việc triển khai, thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em...