Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm nộp lệ phí 20.000 đồng, doanh nghiệp bị cưỡng chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi lần mở tờ khai hải quan, doanh nghiệp nộp lệ phí 20.000 đồng nhưng không được đưa tiền mặt mà phải thanh toán chuyển khoản qua kho bạc với mức phí 16.500 đồng. Nếu nộp chậm sẽ bị cưỡng chế.

Tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp năm 2014 về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan” sáng 6/11 tại TP HCM, ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty Liên Sơn cho biết, đơn vị ông ngoài việc sản xuất kinh doanh nội địa, còn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, công ty thường xuyên phải thực hiện các thủ tục về hải quan nhưng nhận thấy còn nhiều bất cập.

Ông Linh dẫn chứng, mỗi lần mở tờ khai hải quan, doanh nghiệp phải nộp lệ phí 20.000 đồng. Tuy nhiên, mức phí này không được đưa tiền mặt mà phải thanh toán bằng chuyển khoản qua kho bạc Nhà nước khiến doanh nghiệp tốn thêm 16.500 đồng. Nếu doanh nghiệp thanh toán chậm sẽ bị ghi nhận là nợ thuế 20.000 đồng và bị cưỡng chế.
Nộp lệ phí 20.000 đồng, tốn 16.500 đồng tiền chuyển khoản.
Nộp lệ phí 20.000 đồng, tốn 16.500 đồng tiền chuyển khoản.
"Trong khi hàng năm, số tiền thuế chúng tôi nộp hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, có lúc lên đến hàng tỷ đồng nhưng chỉ vì số tiền lệ phí khá nhỏ này, nếu chậm nộp mà bị coi là nợ thuế thì không thuyết phục. Kiến nghị Bộ Tài chính nên bỏ khoản lệ phí này vì quá nhỏ, vừa gây tốn kém thêm tiền bạc (chuyển khoản 16.500 đồng) lại mất nhiều thời gian của doanh nghiệp", ông nói.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, việc nợ lệ phí không phải là nợ thuế nên không thuộc đối tượng bị cưỡng chế. "Đơn vị hải quan hay cơ quan nào cưỡng chế chỉ vì nợ lệ phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp", vị Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, theo ông Tuấn, thời gian tới Tổng cục hải quan cần phải triển khai đáp ứng cả những nhu cầu nhỏ lẻ, không thường xuyên trong việc nộp phí và có thể cho doanh nghiệp nộp tờ khai theo tháng, theo quý để vừa tiết kiệm thời gian, lại không tốn 16.500 đồng tiền chuyển khoản cho từng lần nộp lặt vặt.

Ngoài ra, Thứ trưởng Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ làm việc lại với Tổng cục thuế cũng như phía ngân hàng để xem xét lại mức phí chuyển tiền 16.500 đồng này. Bởi Việt Nam đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nên cần có những cơ chế thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân thực hiện.

Liên quan đến vấn đề thông quan điện tử, theo thông tin từ Tổng cục hải quan, hiện nay để hoàn tất thủ tục hải quan không quá 2 tiếng và kiểm tra hàng hoá không quá 8 tiếng, đã phần nào tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp.

Vị này cũng cho biết kết quả thông quan điện tử từ 1/4 đến 15/9 đã được triển khai 34/34 Cục và 170 chi cục với tổng cộng 2,56 triệu tờ khai, kim ngach xuất nhập khẩu hơn 103 tỷ USD cho 42.700 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn phàn nàn trục trặc về thủ tục hải quan điện tử và cán bộ hải quan bắt doanh nghiệp chạy đi nhiều nơi xác minh gây khó khăn, phiền hà.

Đại diện một doanh nghiệp cho hay, khi đơn vị ông đã nộp thuế trước thông quan nhận hàng, qua kho bạc Nhà nước, có kèm bản sao và bản chính giấy nộp tiền, nhưng hệ thống mạng điện tử của hải quan vẫn còn treo doanh nghiệp nợ thuế. Khi đó, hải quan cưỡng chế không cho mở tờ khai để xuất nhập hàng tiếp theo.

Thậm chí, vị này cho biết đôi lúc trong hệ thống của hải quan cảng A, doanh nghiệp không còn nợ, nhưng tại hải quan cảng B (do trục trặc kỹ thuật) nên doanh nghiệp vẫn còn treo nợ. Thế là cán bộ hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải chạy về cảng A xác nhận bằng giấy có đóng dấu thì mới chấp nhận cho thông quan. "Chúng tôi mong rằng nội bộ hải quan nên tự liên hệ với nhau để giải quyết nhanh cho doanh nghiệp nhằm tránh phát sinh thêm việc lưu kho lưu bãi và tốn nhiều thời gian, chi phí", ông nói.

Cũng có trường hợp phản ánh về sự không đồng nhất trong cách tính biểu thuế. Chẳng hạn, trong biểu thuế xuất nhập khẩu, cùng một mặt hàng, cùng tên gọi, cùng tính năng sử dụng nhưng lại có hai mã số, hai thuế suất nhập khẩu khác nhau (0% và 5%). Doanh nghiệp thì khai 0%, hải quan lại áp mã 5% gây khó cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện nhiều doanh nghiệp phàn nàn việc các Thông tư, văn bản thay đổi chóng mặt gây khó cho doanh nghiệp cũng như cán bộ thuế. Có những Thông tư tuổi thọ vỏn vẹn một năm, doanh nghiệp và cán bộ thuế chưa kịp nắm nội dung đã hủy bỏ thay thế bằng Thông tư mới.

"Đây là việc mà doanh nghiệp và cả cán bộ thuế tốn rất nhiều thời gian để hiểu và thực thi chấp hành Luật thuế. Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ khi ban hành Thông tư, Quyết định mới", một doanh nghiệp bày tỏ.

Trước những phản ánh của doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã thẳng thắn trả lời và giải đáp cụ thể các vướng mắc. Về vấn đề hải quan điện tử, theo ông Tuấn, từ 30/10, Bộ đã có thông tư hướng dẫn về thông quan điện tử. "Doanh nghiệp ưu tiên và doanh nghiệp rủi ro thì chỉ cần đưa giấy tờ đóng dấu là được thông quan. Chỉ doanh nghiệp có rủi ro cao mới áp dụng biện pháp kiểm tra lại, nhưng việc kiểm tra này hải quan phải tự liên hệ và giải quyết cho doanh nghiệp, đồng thời không được làm tăng bất cứ chi phí nào so với hai loại hình kia", ông nói.