Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm tiến độ vì thiếu quyết liệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề dẹp bỏ các cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm (GSGC) nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường đã được TP chỉ đạo thực hiện nhiều năm nay.

Tuy nhiên, trên thực tế,  nhiều địa phương vẫn chưa quyết liệt vào cuộc, trong khi tiến độ triển khai các dự án giết mổ tập trung lại chậm trễ do nhiều vướng mắc.

Dẹp chỗ này, chạy chỗ khác

Ngày 3/6, báo Kinh tế & Đô thị có bài viết "Tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm: Dân khổ vì lò mổ" phản ánh tình trạng 4 lò mổ ở khu Cầu Trại, phường Trung Văn hoạt động công khai, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực. Điều đáng nói, chủ trương di dời các lò mổ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo từ lâu và chính quyền các cấp quận Nam Từ Liêm đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt nhưng vi phạm vẫn tồn tại. Trong khi đó, một số CSGM tập trung được xây dựng lại chưa thể hoạt động hết công suất.
Sau 4 năm hoạt động, cơ sở giết mổ theo dây chuyền công nghiệp của Công ty TNHH Minh Hiền chưa hoạt động hết công suất.     Ảnh: Quang Thiện
Sau 4 năm hoạt động, cơ sở giết mổ theo dây chuyền công nghiệp của Công ty TNHH Minh Hiền chưa hoạt động hết công suất. Ảnh: Quang Thiện
Đơn cử, từ cuối năm 2010, Công ty TNHH Minh Hiền (Khu công nghiệp Bích Hòa - huyện Thanh Oai) đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng CSGM tập trung để "đón" 27 hộ giết mổ nhỏ lẻ ở lò mổ Thịnh Liệt về đây. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty, đến nay mới chỉ có huyện Thanh Oai đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào cơ sở của doanh nghiệp này. Còn quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm vẫn tồn tại các CSGM nhỏ lẻ. "Khi giải tán khu lò mổ Phùng Khoang, các hộ giết mổ lại chạy sang Trung Văn, Triều Khúc thuê nhà dân để giết mổ. Rõ ràng là chính quyền địa phương làm thiếu quyết liệt nên cứ dẹp chỗ này, các hộ giết mổ nhỏ lẻ lại chạy sang chỗ khác" - bà Hiền bức xúc cho biết. Hiện, ở khu vực cầu Mai Lĩnh còn 6 hộ giết mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường,  ngay trong khu đô thị Văn Quán, Dương Nội vẫn tồn tại những điểm giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi đó, sau 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, CSGM của Công ty Minh Hiền vẫn còn khoảng 20 ô bỏ không.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện toàn TP có 5 CSGM công nghiệp, 9 CSGM bán công nghiệp và 3 CSGM tập trung. Theo đúng thiết kế, các cơ sở này có năng lực giết mổ, cung ứng khoảng 291 tấn thịt lợn và 179,6 tấn thịt gia cầm/ngày, chiếm lần lượt là 59% và 106,5% nhu cầu thịt lợn và gia cầm của toàn TP. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở này đều chưa phát huy được công suất thiết kế và mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu thịt lợn và 34% nhu cầu thịt gia cầm của toàn TP. Đáng nói là trong 4 CSGM lợn theo quy mô công nghiệp, mới chỉ có cơ sở Vinh Anh (Thường Tín) hoạt động với công suất 10 con/ngày. Trong khi đó, toàn TP vẫn còn 2.500 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ cung cấp một lượng thịt lớn cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Đẩy nhanh tiến độ  thực hiện

Trong khi các CSGM nhỏ lẻ vẫn còn "đất sống", việc triển khai các dự án giết mổ tập trung, bán công nghiệp lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó nổi bật lên một số vấn đề như doanh nghiệp tiếp cận đất đai khó, ước tính chi phí giải phóng mặt bằng xây dựng CSGM trên địa bàn TP lên tới 10 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, thủ tục để triển khai các dự án giết mổ còn rườm rà, chậm trễ. Đại diện một doanh nghiệp giết mổ tại Ứng Hòa than phiền, dự án của đơn vị ông được xây dựng từ năm 2012 với đơn giá trên 2 tỷ đồng, song để có được giấy chứng nhận đầu tư, ông phải làm tới 8 bộ hồ sơ, nhưng đến nay, vẫn chưa được hoàn thiện, trong khi đơn giá đã nâng lên tới 4 tỷ đồng.

Một vấn đề nữa là từ tháng 12/2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống CSGM và chế biến GSGC trên địa bàn TP đến năm 2020. Tuy nhiên, đến tháng 5/2014 mới có 10 huyện, thị xã báo cáo thực hiện kế hoạch về Sở NN&PTNT. Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm và chậm vào cuộc của chính quyền nhiều địa phương. Trong khi đó, tại hội nghị giao ban tiến độ thực hiện các dự án giết mổ GSGC trên địa bàn TP mới đây, nhiều địa phương kêu khó về nguồn kinh phí. Trước những ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, trong điều kiện ngân sách TP còn khó khăn, một số địa phương chưa thực sự sáng tạo, áp dụng các biện pháp để tháo gỡ về nguồn vốn.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện kiên quyết xử lý các CSGM không đạt tiêu chuẩn, đưa các CSGM nhỏ lẻ, ô nhiễm vào khu giết mổ tập trung. Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc cấm giết mổ GSGC trong khu vực nội thành. Phó Chủ tịch TP cũng đề nghị các sở, ngành liên quan và địa phương tích cực rà soát quy hoạch giết mổ GSGC trên địa bàn, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giết mổ tập trung. Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - chế biến an toàn, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên.