Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấn chỉnh tác phong công sở

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có hai điều khiến người dân coi thường công chức, từ đó coi thường pháp luật, coi thường công quyền là tệ tham nhũng và những bê tha, nhếch nhác nơi công sở.

Kết quả cuộc điều tra thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, DN, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội do Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở VHTT Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy, 88% số người được hỏi cho rằng cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 95% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp. Đó là điều khó chấp nhận. Nhất là trong Năm kỷ cương hành chính 2017.
 Ảnh minh họa
Công sở có tôn nghiêm, công chức có nghiêm túc với phận sự mới có ích cho dân, mới gần dân. Gần dân không có nghĩa là xuê xoa. Đến công sở, dân phải biết tôn trọng pháp luật, biết những gì được làm và không thể làm. Ở công sở, công chức phải tận tụy, nói năng, ứng xử hòa nhã, văn minh, lịch sự và nhất là được việc, không mất thì giờ, tiền bạc của dân. Nước ta, đi đâu cũng gặp khẩu hiệu, ở trường học là “tiên học lễ, hậu học văn”, ở bệnh viện là “thầy thuốc như mẹ hiền”, còn ở công sở là “vì nhân dân phục vụ”, nhưng khẩu hiệu một đằng, làm một nẻo. Nơi công cộng, đường phố, nhà ga, bến tàu cũng vậy, ngay cạnh biển cấm, người ta vô tư phóng uế, khạc nhổ, hút thuốc lá, nói tục, dán quảng cáo, vứt rác… Đô thị bẩn thỉu, mất trật tự, con người ứng xử tự nhiên chủ nghĩa có phần do ý thức của người dân, còn có phần do cán bộ công quyền không tôn trọng kỷ cương, phép nước.
Không thể tôn nghiêm khi dân xếp hàng chờ nhưng cán bộ công chức 9 giờ chưa đến hoặc 14 giờ còn ngủ vì trưa uống bia, đánh bài. Không thể tôn trọng được khi lúc nào bàn làm việc cũng vắng vì hết cho con bú lại nghỉ con ốm. Không thể nín nhịn khi cán bộ nhà nước mặt đỏ gay, quát mắng dân, nói tục, ăn mặc hở hang, xăm trổ, cười nói ồn ào như trước mắt không có ai. Càng không thể chấp nhận được khi thấy những dấu hiệu vòi vĩnh, tham nhũng, lãng phí, hành chính thành hành dân là chính như nhiều người vẫn nói. Báo chí đã lên án “30% công chức” thuộc diện “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nhưng còn những loại vừa bòn rút, vừa hống hách, coi thường dân vẫn nhởn nhơ, không bị ai đụng đến.
Điểm qua một số hành vi trên để thấy rằng, tình trạng số lượng cồng kềnh, vì người định việc và chất lượng đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử của công chức Hà thành thực sự có vấn đề. Cải cách hành chính, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng công vụ là việc không thể đừng bởi Hà Nội là Thủ đô, trung tâm đầu não của cả nước. Hơn thế, đây là địa danh ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ lan tỏa những gì tinh hoa của đất nước và con người Việt Nam, hình ảnh cán bộ, công chức của TP này là đại diện trước hết cho hình ảnh quốc gia.
Vì lẽ đó, cùng với Luật Công chức rất cần có bộ quy tắc ứng xử, đi vào những chi tiết cụ thể để người Hà Nội nói chung, công chức Hà Nội nói riêng có tiêu chí thực hiện xứng đáng với truyền thống văn hóa của Thủ đô. Nhưng cũng có cái khó vì đây là văn hóa, mà văn hóa thì lắm lời bàn cãi, lắm ý kiến bởi văn hóa không thể có chuyển biến ngay, có thề sờ nắm được. Văn hóa là mưa dầm thấm lâu, mỗi năm, mỗi đời người một ít, có cái không phù hợp phải sửa, có cái là phụ trở thành chính… Chẳng hạn thế này, trong dự thảo bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức ở Hà Nội quy định cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp... còn cần bàn cãi, nhưng những quy định như không nói tục, không tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan, không đun nấu trong phòng làm việc; không hút thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn, không hát karaoke trong giờ làm việc, không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử trong giờ hành chính; không lưu giữ, phát tán hình ảnh có nội dung đồi trụy, không có hành vi quấy rối dưới mọi hình thức, kể cả bằng lời nói, cử chỉ… là đúng chứ. Đúng thì giữ lại, sai thì nên chỉnh sửa, bỏ đi.
Từ cách nghĩ xây dựng, gạn đục khơi trong đó, Bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho cán bộ, công chức Hà Nội sắp sửa được ban hành là giải pháp cấp thiết để điều chỉnh hành vi, vực dậy tình trạng “xuống cấp” văn hóa ứng xử đang lan tràn và rất cần sự ủng hộ. Cần được nhiệt tình ủng hộ cho dù ngoài tư cách công chức, công dân còn là đảng viên, là thành viên hội nọ hội kia, và mỗi tổ chức đều có điều lệ, quy định, tiêu chuẩn của mình. Chấp hành những điều lệ, quy định, tiêu chuẩn ấy, thêm việc nghiêm túc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử thiết nghĩ vẫn không thừa.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác dân vận trên địa bàn TP ngày 26/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử đối với công chức và người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội. Bộ quy tắc này chỉ khuyến khích người dân và công chức thực hiện chứ không bắt buộc và xử phạt. “Cán bộ, công chức phải khuyên bảo nhau trong cả công việc và cuộc sống. Hôm nay người này ăn mặc không phù hợp thì lãnh đạo, đồng nghiệp phải góp ý, nhắc nhở làm sao để người đó hiểu được, thay đổi cho phù hợp” - Bí thư Thành ủy nói.
Như thế là chí tình, chí lý.